Bà cụ đi lạc về nhà an toàn nhờ Facebook
Ngày 1/4/2015, bức ảnh chụp một bà cụ tóc trắng bạc phơ bị xây xước, chảy máu ở hai bên gò má được anh Hữu Khoa chia sẻ lên trang cá nhân cùng lời kêu gọi: “Gần 1 giờ đêm qua đi làm vừa lên cầu Văn Thánh (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thấy một bà cụ đang nằm giữa đường. Tôi và một đồng nghiệp dừng xe lại thấy mặt mũi bà bê bết máu, tay chân sưng tấy lên, cái nón lá của bà bay cách chổ nằm khoảng 10m. Bà nói: "Tôi bị té. Tên Giang Chí Hiền, nhà ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi nhưng xuống Sài Gòn ở nhà đứa em mấy tháng nay rồi...". Chúng tôi bế bà lên xe và đưa bà về nhà theo sự chỉ dẫn của bà (bà nói tôi không nhớ số nhà hay tên đường, phường và quận gì hết) cứ đi đi rồi tôi chỉ đường sẽ đến nhà). Thế là chúng tôi đi hết đường này đến đường khác nhưng bà vẫn không nhớ nhà mình ở đâu. Chúng tôi liền đưa bà về trụ sở công an P.19, lau chùi vết thương và tiếp tục hỏi thân nhân bà. Gần 5g sáng mà bà vẫn chưa nhớ nhà mình ở đâu thế là chúng tôi nhờ công an phường giúp đỡ bà tìm thân nhân. Hiện tại công an phường đã đưa bà vào trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp (Số 463 Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).Anh/ chị em nào biết nhà và người thân bà cụ thì chỉ giúp nha, các bạn cũng đừng quên share thông tin này nhé”.
Bà cụ nhiều lần đi lạc
Anh Phan Phương Đông, cháu gọi bà Hiền - bà cụ đi lạc về nhà an toàn nhờ Facebook bằng dì (bà Hiền là chị gái của mẹ anh Đông) cho hay, khi được người nhà đón về, sức khỏe của bà Hiền bình thường, tâm lý ổn định, chỉ trừ vết thương trên mặt, có lẽ do bị vấp ngã. “Hôm 2/4, khi mẹ tôi lên gặp dì, dì nhận ra ngay, nhưng đúng thủ tục, gia đình vẫn phải có xác nhận của địa phương mới đón dì từ Trung tâm về được”.
Anh Đông cho biết: “Dì có chồng nhưng không có con. Chồng dì đã bị tai nạn, mất mười mấy năm nay rồi. Khoảng vài năm trở về trước, khi đã lớn tuổi, dì bán nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh (Q. Phú Nhuận) và chuyển đến ở nhà con nuôi một thời gian. Sau đó, dì bị lẫn, thường trốn nhà đi lang thang, mẹ tôi quyết định đón dì về ở chung với chúng tôi (tại đường Đào Duy Anh, Q. Phú Nhuận) để tiện chăm sóc”.
Anh Đông thông tin, bà Hiền đã ngoài 80, mắt đã mờ và hay ốm, nhưng đáng ngại nhất là bị lẫn và thường trốn nhà đi. “Ngày xưa, dì buôn bán hột xoàn, đá quý, ở chợ Trương Minh Giảng. Buổi sáng dì ngủ dậy trễ, khoảng trưa mới ra chợ đi bán hàng, nên giờ cũng quen nếp, cứ khoảng 11 giờ 30 - 12 giờ trưa là dì lại cắp nón, trốn nhà đi lang thang. Hôm nào nhà tôi khóa cửa lại không cho đi là dì làm dữ, trách móc, khóc lóc rồi trốn đi qua cửa sau. Mẹ tôi lại kinh doanh cửa hàng ở nhà nên thường mở cửa để khách ra vô thường xuyên, đâu có khóa hoài được! Vậy nên ngày nào dì cũng đi. Hầu như ngày nào nhà tôi cũng phải huy động người đi tìm, nhiều khi bỏ cả công việc.

May sao, khi cả nhà đang rối ruột thì sáng 2/4, anh Đông và gia đình tiếp cận được thông tin được chia sẻ từ Facebook của anh Hữu Khoa. Gia đình lập tức liên hệ với anh Khoa và đến Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp để đón bà Hiền về nhà. “May sao có Khoa đưa dì vào Trung tâm, rồi có các bạn chia sẻ trên Facebook, chứ không thì gia đình cũng không biết tìm dì ở đâu. Các tuyến đường quen đã lục tung hết rồi, mấy ông xe ôm hay đưa dì về cũng không nhìn thấy, mà dì lại không nhớ đường về nhà nữa! Thông tin dì nói với Khoa là nhà dì ở Phước Hiệp, Củ Chi thật ra không sai, vì đó là quê của dì. Dì và các anh chị em sống ở đó hồi chiến tranh, nhưng tất cả đã chuyển lên trung tâm sống từ lâu rồi. Hiện tại ở cùng với gia đình tôi nhưng dì vẫn nghĩ là lên Sài Gòn chơi” – anh Đông cho biết.
Hiện tại, bà Hiền đã được đón về nhà. Không chỉ người nhà mà có lẽ những cư dân mạng đã chia sẻ bài đăng, tìm kiếm thông tin hoặc quan tâm đến trường hợp của bà cũng đã thở phào nhẹ nhõm, hy vọng bà Hiền sẽ không đi lạc xa đến thế nữa. Còn người có “công đầu” trong vụ việc này, anh Hữu Khoa chỉ chia sẻ rất khiêm tốn: “Có một số người ca ngợi việc mình giúp đỡ bà cụ, nhưng mình thấy chuyện đó cũng bình thường thôi, có lẽ bất cứ ai trong trường hợp đó, nhìn thấy bà cụ bị chảy máu, lang thang một mình ngoài đường cũng sẽ làm y như mình. Một số người cũng hỏi sao không sợ bị hiểu lầm, bị đổ tội làm bà bị thương, nhưng ngay lúc đó, tôi đã gọi một số người đi đường và báo cơ quan chức năng làm chứng rồi”.
Nhờ sức mạnh lan truyền chóng mặt cùng sự sẻ chia, đồng cảm của cộng đồng mạng, câu chuyện của cụ Giang Chí Hiền đã lan truyền tới đông đảo người dùng mạng và đem đến một cái kết có hậu. Mạng xã hội là ảo, nhưng sự quan tâm, chia sẻ và tình người luôn là thật, và người dùng mạng xã hội đâu chỉ là