
Và người ta cũng bảo, một phụ nữ khôn ngoan là người thể hiện được sự hiểu biết và bình tĩnh, kể cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Rằng khôn, ấy là đừng tiếp tay và biến mình thành nô lệ của lòng ghen, của bạo lực. Khôn, ấy là khi hiểu rằng mọi chuyện chẳng thể cứu vãn, rằng mình đã bị phản bội, hoặc là như Hoạn Thư xưa, dằn mặt chồng và khiến cho tình địch âm thầm đau khổ, hoặc là chẳng đập phá tài sản, không động tay động chân hành hung ai giữa đường cho thiên hạ chỉ trỏ, mà hãy “đập tan” mối quan hệ cũ, bình tĩnh chia tài sản và chuẩn bị tinh tươm cho một tương lai mới, cuộc sống mới không có sự hiện diện của những kẻ phản bội, một cuộc sống không còn nỗi đau. Khôn, ấy là hiểu, mình không nên làm gì để cho người chồng vốn đã có quá nhiều lý do để nói xấu vợ với nhân tình có thêm cớ để khẳng định, việc ngoại tình là… có cơ sở. Khôn, ấy là biết mình là người phụ nữ được giáo dục, có nền nếp, là người văn minh chứ không phải kiểu đàn bà “hàng tôm hàng cá”…

Đánh ghen, ấy là khôn hay là dại?
Ghen, ấy là một thứ xuất phát từ lòng ganh tị và đố kỵ của bản thân, nó là cung bậc cảm xúc thể hiện sự yêu, ghét của người này với người kia. Cũng như những cảm xúc khác, khi đã bị đẩy lên đến mức cao độ, không dễ để kìm hãm, không dễ để sáng suốt. Bạn đến với tình yêu mãnh liệt, điên cuồng, dại khờ chừng nào, khi ghen còn hơn thế, bởi không chỉ là giận dữ vì tình yêu bị phản bội, nó còn có cả sự ấm ức khi lòng tự tôn bị phản bội, còn là sự nuối tiếc những năm tháng thanh xuân, còn là nỗi hận khi sự sở hữu, chiếm lĩnh bị đánh gục, là cả nỗi đắng cay vì những gì đã trải qua, phút chốc bị hất đổ… Với tất thảy những cảm xúc ấy, tôi tin, khó có phụ nữ nào giữ được bình tĩnh để mà khôn.

Chẳng người đàn bà nào muốn làm xấu hình tượng của mình, nhưng khi ghen, ít ai còn giữ được tỉnh táo.
Người ta đánh ghen vì nhiều lẽ, và cái lẽ rõ ràng nhất, đó là nhu cầu bày tỏ rằng mình đang bị tổn thương. Đó là lúc, bản năng “kẻ đi săn”, bản năng chiếm hữu và tấn công kẻ thù từ thuở hồng hoang trỗi dậy. Đó là lúc, người ta sẽ gạt gã đàn ông sang một bên, nói thẳng ra, không phải vì tha thứ hay nuối tiếc gì, mà bởi, ngay trong khoảnh khắc ấy, gã đàn ông trước đó họ vẫn nâng niu gọi bằng chồng, được hạ vị trí xuống thành một “vật sở hữu”, và việc cần trước mắt, đó là tấn công kẻ đã xâm phạm lãnh thổ, đã có ý đồ cướp “vật sở hữu” kia. Và việc người đàn bà ít khi tấn công người chồng, là bởi gã đàn ông phản bội, dầu có trốn tránh, cũng sẽ phải ló mặt về nhà để đối diện với họ, với những đứa con; còn kẻ xâm phạm có thể vuột mất nếu họ không kịp “dằn mặt”.
Người ta nói nhiều về chuyện hãy ghen trong văn minh, rằng khi biết mình đã trở thành "kẻ thừa", nếu còn có thể tha thứ, hãy cho qua kèm theo một lời hứa sửa đổi; nếu không, hãy đập tan mối quan hệ cũ trong yên ả, chia tay trong hòa bình, như khi ta đến với nhau, vì tình yêu và đồng thuận, rồi hãy sẵn sàng cho một cuộc sống mới không có đàn ông. Theo tôi, tất cả những điều ấy có thể đợi, khi cơn nóng giận và lòng kiêu hãnh bị tổn thương, khi nỗi đau và cả nỗi nhục lắng xuống. Còn ngay lập tức, khi anh chồng vô tư diễu phố với một cô bồ, một người-đàn-bà-bình-thường, như tôi chẳng hạn, sẽ làm, đó là chặn đầu hai kẻ đó lại, làm cho ra lẽ. Có thể lúc đó, tôi có thể đánh họ, có thể không, nhưng chắc chắn, không thể thả cho họ đi một cách dễ dàng. Họ có can đảm rước nhau đi giữa đám đông, thì cũng phải có can đảm đối diện với chuyện bị làm nhục, bị xấu hổ trước đám đông. Khi đã dám lấy xe nhà đi chở bồ, thì người đàn ông cũng cần xác định, chiếc xe đó có thể tan nát trong cơn giận của vợ.
Khi người đàn bà bị xúc phạm lòng tự tôn, bị phản bội, họ có thể làm những điều kinh khủng nhất. Họ dường như quên mất những lý lẽ khác... Vô lý hay có lý, nên hay không nên, dại dột hay thông minh vẫn là chuyện đáng bàn...