Từ mấy năm nay, khi khu dân cư mới được hình thành, nhiều hộ dân ở trong hẻm số 1806 đường Huỳnh Tấn Phát (khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè ,TP.HCM) khốn khổ vì số nhà quá dài mà không biết kêu ai.

Chủ nhà cũng không thể nhớ được số nhà mình

Trên đường Huỳnh Tấn Phát, con hẻm 1086 còn được gọi là đường Bà Cả vì hẻm dài, sâu và khá rộng, lớn gần bằng con đường. Tuy nhiên, với những người có việc phải tìm đến địa chỉ nhà ở trong khu vực hẻm này thì gần như muốn “phát điên” vì số nhà quá dài. Điều này đã gây không ít phiền toái cho người dân trong cuộc sống sinh hoạt, buôn bán hằng ngày hay những giao dịch liên quan đến giấy tờ, sổ sách.

sonha5
Số nhà dài dằng dặc trong con hẻm 1086 Huỳnh Tấn Phát.

sonha2
Hẻm càng chia nhánh nhỏ thì số càng dài, lại thêm các kí tự a, b, c...

Thử tìm đến căn nhà có địa chỉ 1806/127/2/6/15/48/2D của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo trên đường Huỳnh Tấn Phát, chúng tôi gần như lạc vào “ma trận”. Ngay đầu hẻm, những số nhà theo đúng trình tự từ 1-2 sẹc (gạch chéo trên dãy số) vẫn dễ tìm. Tuy nhiên, khi đến hẻm 125 thì tìm con hẻm 127 gần như bế tắc.

Sau một hồi lòng vòng, chúng tôi đành hỏi người dân, mới biết phải vô hẻm 125 mới vào được hẻm 127! Cả một khu vưc với nhiều con đường nhỏ, có đoạn đường đất đang ngổn ngang vật liệu xây dựng do làm đường. Quanh co gần 1 tiếng đành chịu thua khi không thể tìm được nơi “ẩn náu” của căn nhà số 1806/127/2/6/15/48/2D, chúng tôi đành gọi chủ nhà ra dẫn vào.

sonha6
Chị Thảo bên căn nhà có số nhà dài đến 6 sẹc của mình.

Chị Thanh Thảo cho biết, mới dọn về khu vực này được nửa năm nay. Theo đó, khu chị Thảo ở là khu dân cư mới của thị trấn Nhà Bè. Nhiều hộ gia đình đến mua đất, nhà và định cư tại đây chỉ lâu nhất chỉ khoảng 2 đến 3 năm. Nhà chị ở sau trong cùng nên chịu số nhà dài nhất, lên đến 6 sẹc!, còn những nhà nào ngắn nhất thì 5 sẹc.

“Có lẽ ở TP.HCM, đây là nơi có số nhà dài nhất. Vì thế tôi không khi nào cho địa chỉ với bạn bè, vì chắc họ sẽ không tin đây là số nhà mình. Nếu có tìm được, bạn bè cũng sẽ “tẩu hỏa nhập ma mất”. Ai đến nhà tôi chơi, đều chỉ đến đầu số 1806 rồi nhà phân người ra đón thôi. Khi xây nhà, họ đã lắp biển số như vậy rồi nên đành chịu”, chị Thảo phân trần.

sonha3
Số nhà ngắn ở đây là từ 4- 5 sẹc, dài nhất là 6 sẹc.

Ngay chị Thảo cũng không thể nhớ số nhà của mình, phải lưu trong sổ tay để tiện khi làm các thủ tục hành chính. Tương tự, Anh Nguyễn Thanh Sơn (42 tuổi) cho biết, cả trăm hộ gia đình ở hẻm nhánh 127 đều phải chấp nhận số nhà còn dài hơn cả số chứng minh nhân dân và cũng chẳng thể nhớ nổi số nhà.

sonha1
Anh Sơn bên căn nhà của mình.

“Khi đến mua nhà rồi đi làm giấy tờ, được cấp số chứ mình cũng không biết thế nào. Tôi sống ở đây gần 2 năm với số nhà dài lê thê mà giờ cũng không nhớ nổi, đã nhiều sẹc lại còn thêm kí tự a, b, c.. nên chẳng hiểu họ phân số theo kiểu gì. Như tôi đi đâu có liên quan đến giấy tờ thì tốt nhất là ghi số nhà vào bàn tay hoặc giấy rồi mới đi không thì quên”, anh Sơn chia sẻ.

Chuyển nhà vì sợ không… gọi được xe cấp cứu

Theo những người dân, với những trường hợp người đưa thư, giao hàng… thì cũng không thể nói số nhà, họ sẽ không tài nào nhớ được hết các con số. “Những người giao hàng thì mình nhắc họ là vô khu dân cư mới ở hẻm 1086, Huỳnh Tấn Phát thì tự khắc họ sẽ tìm được, rồi mình ra ngoài dẫn vô”, cô Hoàng Thị Hoa (35 tuổi, cư dân trong hẻm) cho biết.

sonha7
Những người giao hàng cũng khốn khổ khi tìm địa chỉ nhà.

Tương tự khi đi taxi, xe ôm thì cũng không thể đọc địa chỉ cụ thể được, chỉ có thể nói tài xế bằng cách chỉ dấu hiệu nhận diện trong khu dân cư này hoặc nhờ người đưa ra đầu hẻm 1086 đón. “Tuy nhiên hầu như taxi đều chào thua, không thể tìm ra khu vực này, chúng tôi đành phải ra ngoài đầu đường mà đón. Nhà nhiều sẹc thế này thì chẳng may có hỏa hoạn hay cần gọi xe cấp cứu thì… bó tay rồi”, chị Nguyễn Thị Thanh Trang (41 tuổi, vợ anh Sơn) nói.

Theo quan sát, khu vực này chính xác là con hẻm có số 127/2/6/15/48. Những nhà nằm trong nhánh nhỏ thì lại thêm một sẹc, và dài nhất là 6 sẹc. Cả hẻm đang được thi công lại mặt đường, với chiều rộng khoảng 7m, đủ cho xe ô tô chạy vào. Những căn nhà ở đây đều còn mới, xây dựng khá khang trang, đồng bộ. Dù nhà đẹp vậy nhưng có một số người dân ngỏ ý muốn chuyển đi, treo bảng bán nhà cũng một phần vì bất tiện số nhà.

sonha4
Khu dân cư có hẻm rộng, đường đang làm mới.

 “Hôm trước có vợ chồng ông hưu trí hàng xóm phải bán nhà chuyển đi qua quận 7 ở. Hỏi lý do thì ông ấy nói ở đây số nhà như trò đùa, con cháu đến thăm không được. Rồi mấy ông bà sợ  lỡ có ngày gọi cấp cứu không được nên chuyển đi”, ông Nguyễn Văn Tư (59 tuổi, số nhà ở 1806/125/7/4/10/10/8d cho biết.

sonha8
Có người phải chuyển đi vì số nhà quá dài.

Ông Tư cho biết thệm: “Tôi từng làm nghề lái xe, không chỗ nào là không biết, đi khắp nơi mà chưa từng gặp trường hợp số nhà dài như vậy. Chỉ mong kiến nghị sao cho chính quyền sửa lại. Nếu tại các ngã rẽ người ta chia thành hẻm số 1, số 2… rồi đặt số nhà theo hẻm đó thì có lẽ sẽ thuận tiện hơn”.

Đã đánh số nhà, khó thay đổi lại

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Anh Quân (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhà Bè) cho rằng, việc đánh số được thực hiện theo quyết định 22/2012 của UBND TP.HCM. Theo ông Quân, nguyên nhân của số nhà nhiều sẹc là do trước đây các khu dân cư phát triển tự phát, trên không gian kéo dài chia nhiều nhánh.

“Trên địa bàn, trường hợp số nhà nhiều sẹc tương đối nhiều, phần đa tập trung ở khu phố 5, khu phố 6 của thị trấn, cao nhất khoảng 6  sẹc. Ở các điểm khác, nhiều cũng chỉ khoảng 2 đến 3 sẹc Căn cứ bản đồ quy hoạch UBND thị trấn đã lập hồ sơ trình lên UBND huyện xem xét phê duyệt, đồng ý mới được cấp số nhà. Việc đặt số nhà tuân thủ theo quy tắc không thể nào làm khác được, cứ nhiều nhánh thì số sẹc tăng lên. Người dân cũng chưa phản ánh về việc này", ông Quân cho biết.

sonha
Rất khó để thay đổi lại số nhà.

Ông Phạm Quốc Hùng (chuyên viên phòng Quản lý đô thị UBND huyện Nhà Bè) cũng cho rằng số nhà dài là do trong quá trình sinh sống  nảy sinh nhiều tuyến hẻm ngóc ngách nhỏ. Từ thực tế đó, UBND huyện Nhà Bè mới tiến hành cấp đổi số đại trà từ năm 2012 đến năm 2014, hoàn toàn tuân thủ theo quy tắc đánh số chứ không thể làm gì khác.

Theo ông Hùng, việc giải quyết vấn đề này khó, vì đặt tên đường, tên hẻm phải phụ thuộc vào đảm bảo giao thông, hạ tầng kết nối và độ rộng, độ sâu của con hẻm. “Nếu muốn thay đổi thì phải mở rộng đường đi, sắp xếp lại nhưng điều này  khó vì liên quan đến giải phóng mặt bằng”, ông Hùng nói.