Gần một tuần chờ kết quả xét nghiệm ADN để đi đến kết luận bệnh viện trao nhầm con là quãng thời gian đầy hồi hộp, bất an của hai vợ chồng anh Vũ Văn Khiên (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi), cùng ngụ khu phố Phú Xuân, P.Phú Thịnh (thị xã Bình Long, Bình Phước).
Suốt 3 năm nuôi nhầm con người sinh cùng phòng
Trong suốt 3 năm nay, chị Thu Trang thường phải sống trong những hoài
nghi, không hiểu sao cô con gái út Vũ Ngọc L.A (3 tuổi) lại càng lớn càng ít điểm
giống với cha mẹ như vậy.

Chị Trang, anh Khiên kết hôn với nhau từ năm 2010, đến cuối năm họ hạ
sinh cô con gái đầu lòng. Năm 2012, người vợ tiếp tục mang bầu lần thứ hai,
cũng là một bé gái. Ngày 10/1/2013, chị Trang có dấu hiệu chuyển dạ nên được chồng
chuyển vào khoa sản, bệnh viện đa khoa Bình Long (ở gần nhà) và sinh được bé gái nặng 3 ký.

“Bé phát triển bình thường có điều biết đi hơi chậm. Tuy nhiên càng lớn
thì mọi người trong nhà lại nhận thấy hai chị em chẳng giống nhau”, chị Thu
Trang cho hay. Theo lời tả, cô em út có đôi mắt to, đen láy, da ngăm đen, tóc
hơi xoăn xoăn phớt vài sợi đỏ trong khi cô chị thì hoàn toàn ngược lại.

“Nhưng đứa chị thì giống cha y đúc, vì thế nên đôi lần ôm con út vào
lòng anh ấy cứ đùa vui “sao con vẫn chưa chịu giống ba nhỉ”. Những lần ấy, tôi
lại thanh minh là nhìn bé có nét giống bà nội lắm để cho chồng khỏi suy nghĩ
nhiều. Dù vậy, tôi biết nhiều khi anh cũng buồn”, chị Trang chia sẻ.

Bản thân chị Trang cũng có những thắc mắc về sự khác biệt ngoài hình khá
rõ ràng của hai chị em so với bố mẹ. Nhưng bản năng người mẹ không cho phép chị nghĩ bé L.A không phải là con mình đẻ ra. “Suốt 3 năm nay, dù chồng và ông bà không
có nói gì hết nhưng cũng không bao giờ tôi nghĩ vậy, thậm chí đến lúc nhận kết
quả xét nghiệm không cùng huyết thống dù rất sốc mà tôi vẫn chưa tin”, người mẹ 26 tuổi tâm
sự.

Chỉ đến khi một lần tình cờ đi bán bánh mì tại xã Phước An (huyện
Hớn Quản), ông Nguyễn Duy Nguyên (61 tuổi, ba chị Trang) bất ngờ thấy người phụ
nữ từng sinh cùng phòng với con gái mình 3 năm trước bế bé gái rất giống con đầu
của chị Trang nên nghi ngờ.
“Sau lần đó, ông ngoại về nói là có đứa bé của chị cùng phòng sinh trước
kia giống con đầu lòng của tôi như hai giọt nước. Rồi trong cùng ngày, chồng
tôi lên nhà họ xem thì xác nhận giống thật nên cả nhà bảo đi xét nghiệm ADN”,
chị Trang nói.
Được gia đình động viên, chị Trang mới mạnh dạn đưa bé về TP HCM xét
nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống. Để chắc chắn, hai vợ
chồng lên bệnh viện Đa khoa Bình Long khiếu nại. Những ngày sau đó, bệnh viện
cũng thuyết phục được gia đình kia đồng ý đi xét nghiệm ADN và kết quả cũng
không cùng huyết thống.
Vợ chồng chị Trang rất bất ngờ khi suốt 3 năm nay, con gái ruột mình vẫn ở với người mẹ
khác và chỉ cách nhà khoảng 5 km. “Từ khi chung phòng sinh với sản phụ kia thì
cả nhà tôi cũng quen biết gia đình họ, dù không thân những cũng gặp đôi lần. Riêng ông ngoại thì biết họ từ trước đó
cũng khá lâu, do ông đi buôn bán”, chị Trang cho biết.
Con ở gần những vẫn chưa thể trùng phùng
Sau khi có kết quả xét nghiệm chéo, gia đình chị Trang liền đến nhà vợ chồng
đang nuôi bé gái giống con của mình để "nói chuyện". Trước đó, chồng
chị cũng dắt cả hai chị em bé L.A đến nhà này để xác minh, và chính họ cũng thừa
nhận sự nhầm lẫn hy hữu này.
Tuy nhiên, mọi việc lại không hoàn toàn như nguyện ước của hai vơ chồng
chị Trang. Gia đình bên kia cũng chịu chấp nhận kết quả ADN nhưng cả gần
tháng nay họ vẫn không muốn trao trả lại con. Theo lời chị Trang, ban đầu họ tỏ
ra khó chịu với chuyện trả con và cũng chưa sẵn sàng tinh thần cho việc này.

“Họ nói nếu như ông ngoại bé không phát hiện ra thì mọi việc đã… êm đẹp
rồi. Rồi họ còn cho rằng chúng tôi có ý cướp con của họ nên thậm chí đòi dọa kiện. Một
thời gian sau thì người nhà đồng ý đổi lại con nhưng hai vợ chồng kia vẫn không
chịu. Nhiều lần chồng tôi điện hỏi thì còn bị chửi lại, họ bảo phải để họ bàn
tính đã. Nhưng đã xét nghiệm rõ thế còn tính gì nữa, tôi cũng không hiểu tại
sao”, chi Trang bức xúc.

Được biết, sản phụ bị trao nhầm con với chị Trang là người dân tộc
Stieng, chồng là người Kinh và sống cách nhà chị Trang khoảng 5km. Gần một
tháng nay, chị Trang cũng chỉ một lần duy nhất thấy con ruột của mình. Càng xót
hơn, khi cô bé khá còi cọc, suy dinh dưỡng.

"Mẹ nào chẳng đau buồn khi biết con mình ở gần đó mà không thể gặp được.
Tôi luôn lo lắng không biết bé có được chăm sóc tốt, được yêu thương đầy đủ
không. Hai tháng nay, tôi buồn nên không buôn bán được, chồng cũng xin nghỉ làm. Giờ tôi chỉ mong bệnh viện phải sớm hối thúc họ sớm trao trả lại con cho
chúng tôi. Mà dù thế nào thì tôi vẫn vẫn xem bé L.A như con, giờ tôi còn thương
bé hơn trước vì phải chịu nhiều thiệt thòi”, người mẹ bộc bạch.
Bệnh viện nói gì?
Về sự cố trên, bác sĩ Trần Đình Cường (PGĐ bệnh viện đa khoa Bình Long)
thừa nhận sai sót trong quy trình nhận con sau khi sinh. “Theo quy trình, các
bé khi mới sinh sẽ có vòng lắc bằng vải ghi thông tin trẻ. Do hai bé sinh cùng
phòng, cùng giờ, cùng giới tính nên có thể khi tắm rửa, hộ sinh đã làm trao nhầm”,
bác sĩ Cường nói.


Khi biết kết quả, ngày 24/6, đơn vị đã mời hai gia đình và đại diện chính quyền địa phương lên để hòa giải, tìm phương án trong việc xúc tiến trao trả lại các bé cho ba mẹ ruột nhưng hầu như cả ba bên vẫn chưa có tiếng nói chung.
"Bệnh viện đã nhận lỗi trước hai gia đình và đưa ra hướng hỗ trợ tinh thần 10 tháng lương tối thiểu cũng như các khoản phí vật chất mà hai bên phải gánh chịu trong 3 năm qua. Tuy nhiên, kết thúc buổi hòa giải, cả hai gia đình vẫn không có ý kiến gì với mức bồi thường cũng như thời gian trao đổi hai bé nên bệnh viện đang chờ", ông Cường nói và cho biết, trước mắt sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề trao trả con, sau đó mới xem xét xử lý trách nhiệm hai hộ sinh và những người liên quan.


Trưa ngày 13/7, qua thông tin bệnh viện cung cấp, phóng viên đã
liên lạc qua điện thoại với anh Huỳnh Văn Tuấn (25 tuổi, chồng của sản phụ bị
trao nhầm con) để xin gặp trực tiếp.
“Hiện tại, tôi sắp phải đi công tác ở Đắc Lắc. Hơn nữa, vợ tôi đang mang
thai 6 tháng nên không tiện gặp gỡ. Chờ một thời gian nữa, có gì tôi báo lại
cho”, nói đến đây anh Tuấn cúp máy.