Khi nạn nhân không lên tiếng
"Nhiều phụ nữ đang phải chung sống với bạo lực gia đình (BLGĐ), chịu đựng những trận đòn nặng tay, thậm chí bạo lực tình dục (BLTD) nhưng phần lớn chỉ biết cam chịu. Ngay cả khi được hỏi thăm, chia sẻ, rất khó khăn các nạn nhân mới có thể nói ra những nỗi niềm riêng. Chúng tôi thấy rằng BLTD vẫn là bí mật phía sau cánh cửa", bà Hoàng Kim Thanh (Mạng lưới phòng chống BLGĐ - Dovipnet) cho biết.

Theo nhóm nghiên cứu, nạn bạo hành gia đình nhắm vào phụ nữ là “bạo hành câm”, bởi đó là bạo hành phía sau cánh cửa và nhiều khi chính nạn nhân che giấu sự việc.
Thoát khỏi bạo lực
Theo bà Hoàng Thị Kim Thanh, nhiều phụ nữ bị BLTD nhưng cũng chấp nhận vì phần lớn đều cho rằng "làm vợ phải chiều chồng". Bởi vậy, họ lâm vào tình cảnh không được làm chủ chính mình, thiếu tự tin và phải đau đớn cả thể xác, tinh thần. Cũng bởi quan niệm trên mà nhiều phụ nữ bị BLTD mà không biết.
"Để thoát khỏi BLGĐ trong đó có BLTD, trước hết người phụ nữ phải vững vàng, không nên cam chịu. Chị em cần hiểu, người phụ nữ có quyền từ chối. Vợ chồng là bình đẳng. Thực sự, đây là vấn đề vô cùng khó khăn nhưng không phải là bế tắc. Nên biết cách từ chối và mạnh dạn tìm đến những nơi có thể chia sẻ, cho lời khuyên" - bà Thanh nói. Còn theo ông Vũ Mạnh Lợi (Viện Xã hội học): "Để thoát khỏi được BLTD là vấn đề rất nan giải, nhất là với nếp sống khép kín như ở VN. Người vợ và người chồng cần hiểu, giấy kết hôn không có nghĩa là cho phép người chồng được quyền ép buộc vợ mìnhphải chấp nhận quan hệ tình dục theo ý mình".
Các chuyên gia khuyên, trong trường hợp bị ép buộc người vợ nên tìm cách giải thích cho chồng về tình trạng sức khỏe, tâm lý, không thể chiều theo ý người chồng. Việc giải thích cũng có thể xóa đi nghi ngờ từ chồng, vì không ít ông chồng cho rằng vợ “lạnh nhạt” vì có người khác. Về lâu dài, vấn đề về tình dục trong hôn nhân cũng cần được đề cập, tư vấn cho các cặp vợ chồng trước kết hôn; có hình thức giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi.