Căn bếp của mẹ và bài học cho tôi 1

Căn bếp nhà tôi khá nhỏ, có thể nói là đơn sơ nhưng ở đó luôn toát lên sự ấm áp kỳ diệu. Căn bếp bé nhỏ không chỉ lưu giữ hình ảnh về những món ăn ngon mà còn chứa đựng hình ảnh của một người phụ nữ cần mẫn, cặm cụi cùng những giọt mồ hồi và cả một tình yêu vô bờ bến cho tôi, cho gia đình.

===

Từ nhỏ tôi đã là đứa con gái được ba mẹ nhất mực nuông chiều. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi chẳng cần động tay, động chân vào những công việc lặt vặt ở nhà. Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi qua trong sự vô tư vô lo, hồn nhiên của một đứa trẻ. Khi tôi lớn dần lên, bắt đầu có những suy nghĩ chín chắn và cảm nhận sâu sắc cũng là lúc tôi biết thương mẹ nhiều hơn. Tôi hiểu được cuộc sống của mẹ khó khăn và vất vả nhường nào. Tôi nhận ra để cho tôi cuộc sống ấm no đầy đủ mẹ đã phải còng lưng tích góp ra sao. Vậy mà mẹ vẫn đều đặn lo cho tôi đủ no 3 bữa 1 ngày. Trong ký ức của tôi lúc đó, không có vị ngon nào sánh bằng bữa cơm giản dị mà mẹ nấu cho tôi ăn. Tôi thương mẹ nhưng đó cũng chỉ là cảm xúc rung động của một đứa con gái tuổi mới lớn. Tôi thương mẹ nhưng tôi chẳng thể làm gì được nhiều hơn...

Khi tôi bước chân vào cánh cửa đại học cũng là lúc tôi rời xa vòng tay che chở và bảo bọc của mẹ. Đặt chân lên chốn thành thị phồn hoa tôi dường như lạc lõng và cô đơn. Những dòng thư viết vội hay dăm ba câu chuyện trò qua điện thoại cũng không làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ xa nhà. Cũng từ đây tôi bắt đầu phải đối mặt với nhiều thứ. Đầu tiên là nấu ăn. Ngày đầu tự mình đi chợ tôi chẳng phân biệt nổi đâu là bầu đâu là bí. Tôi phát tởm lởm khi ngửi thấy mùi cá tanh nồng. Mọi thứ kinh khủng hơn nữa khi tôi lần đầu tiên đứng bếp. Bên cạnh những giọt mồ hôi rịn ra trên chán, những giọt máu ứa ra từ vết cắt phạm là những giọt nước mắt mặn chát trên khóe môi. Tôi khóc khi thấy mình vô dụng. Tôi khóc vì tủi thân và tôi khóc vì nhớ mẹ biết bao. Khoảnh khắc đó bóng dáng mẹ loay hoay trong căn bếp nhỏ hiện về. Thì ra nấu ăn vất vả đến thế vậy mà sao tôi chưa từng thấy mẹ than nửa lời? Thì ra nấu ăn khó khăn đến thế vậy mà sao tôi vẫn thấy mẹ cười hiền từ, ánh mắt mẹ vẫn vui đến lạ? Và bài học đầu tiên tôi học được từ căn bếp của chính mình, đó là: những món ăn của mẹ luôn dạy ta những bài học làm người rất sâu sắc, chỉ là ta có đủ tinh tế để nhận ra điều đó sớm không thôi!

Khi tôi có người yêu, tôi nấu những bữa ăn cho anh ấy. Được thấy anh ăn ngon lành và khen nức nở, tôi cảm nhận được hạnh phúc của một người phụ nữ và niềm vui khi được tự tay nấu ăn cho người tôi yêu. Lúc đó, tôi dường như đã hiểu trọn vẹn cảm xúc của mẹ, hạnh phúc của mẹ dành cho gia đình lớn đến chừng nào. Và bài học thứ hai tôi học đườc từ căn bếp của mình, đó là: Người phụ nữ chuẩn 10 không cần đi giày cao gót, lái ôtô và ký hợp đồng. Người phụ nữ chuẩn 10 đơn giản chỉ cần mặc vừa tạp dề, yêu căn bếp và nấu ăn thật ngon!

Giờ đây căn bếp nhà tôi rộng hơn, hiện đại hơn nhưng dáng vẻ cần mẫn của mẹ trong gian bếp vẫn không thay đổi. Có chăng là những món ăn càng ngày càng tuyệt vời hơn và bàn tay mẹ vẫn vun vén cho tình cảm gia đình khăng khít hơn thế. Căn bếp của những người phụ nữ Việt (như mẹ tôi) không chỉ làm nên những món ăn ngon miệng mà còn tạo nên những bài học từ tâm hồn rất sâu sắc!

Tôi yêu mẹ! Tôi yêu những người phụ nữ Việt Nam!

__Dew Nguyễn__