Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh và 131 Lò Đúc) bình thường đã là một địa điểm đông người tìm đến, trong những ngày này khi mà dịch sởi đang hoành hành, biến chứng phức tạp, người tìm tới đây còn đông hơn. Cảnh tượng người lớn, trẻ nhỏ bồng bế nhau, khẩu trang, khăn choàng kín mít với gương mặt đầy lo lắng được ghi lại rõ nét vào ngày 22/4.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chia sẻ rằng, thời gian gần đây, số lượng trẻ được đưa tới trung tâm tiêm sởi tăng đáng kể. Theo thống kê trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Hà Nội có thêm 20-22 ca mắc sởi. Từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1200 ca sởi.
Chị Bùi Bích Hằng (Long Biên, Hà Nội) đưa con là bé Bin 18 tháng tuổi vào trung tâm tiêm chủng với gương mặt đầy lo lắng. Chị cho biết: “Thời điểm bé Bin nhà mình cần tiêm mũi sởi đầu tiên trùng với lúc có thông tin vắc xin khiến trẻ tử vong. Mình nhớ như in thời điểm đó, cả gia đình mình rất đau đầu về việc nên hay không tiêm cho con. Chồng mình nhất quyết không cho tiêm vì sợ mình rơi vào trường hợp không may mắn. Tuy nhiên, cả tuần nay cả gia đình mình như ngồi trên đống lửa trước tin dịch sởi bùng phát".
Trước tình trạng bệnh sởi diễn biến phức tạp, những ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh đưa con đến các điểm tiêm chủng vắcxin sởi dịch vụ tăng vọt
Nhiều ông bố bà mẹ cũng có chung suy nghĩ như chị Bích Hằng, anh Phạm Long (Lò Đúc, Hà Nội) cho biết: “Nghe đài báo về tình hình dịch sởi năm nay, tôi quyết định cấm cung con ở nhà, không cho đi tới các trung tâm, khu vui chơi. Từ tuần trước, tôi cũng định cho con đi tiêm phòng sởi nhưng mọi người trong gia đình lại bảo: ‘tới các trung tâm dập dịch bây giờ cũng rất nhiều virus, sợ chưa phòng được đã nhiễm chéo thì khô’. Cân nhắc tới lui, may thế nào trung tâm y tế dự phòng lại mở đợt tiêm miễn phí mà vắc xin tốt, tôi đưa con tới tiêm luôn”.
Chính vì tâm lý lo sợ trước dịch sởi đang có diễn biến phức tạp, và gây biến chứng nguy hiểm, nhiều bậc phụ huynh đã vội vã đưa con đến trung tâm y tế dự phòng để tiêm chủng, điều này khiến nơi đây quá tải, đông kín người.
Chị Mỹ Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chờ từ 8 giờ sáng tới gần 11 giờ trưa chưa tới lượt cho con tiêm nên đành ngậm ngùi đi về. Chị tâm sự: “Mình cũng biết tới thời điểm này đưa con đi tiêm phòng sẽ đông lắm nhưng mình cũng đành cho con về vì phải chiều mới tới lượt. Nếu cứ cố chờ lâu thì sợ con sẽ mệt, thậm chí còn bị nhiễm chéo”.
Thông tin từ ngày 20/4, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ mở một phòng tiêm chủng vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi (thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng) bên cạnh phòng tiêm chủng dịch vụ tại địa chỉ 70 Nguyễn Chí Thanh (HàNội) đã khiến nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Sáng 21/4, tại điểm tiêm phòng của Trung tâm Y tế Hà Nội số 70 Nguyễn Chí Thanh, 131 Lò Đúc rất đông trẻ được đưa đến tiêm vắc xin.
Để cẩn thận, hầu như ai đưa con vào viện cũng đeo cho con khẩu trang
Ngay từ sáng sớm, nhiều phụ huynh đưa con tới tiêm phòng sởi

Nhiều bậc phụ huynh tuân thủ các biện pháp phòng tránh lây bệnh như đeo khẩu trang, sát khuẩn bàn tay thường xuyên,... cho con




Nhiều người đưa con tới từ rất sớm nhưng vẫn phải chờ tới trưa chiều mới được tiêm




TP Hồ Chí Minh hết vắcxin sởi
Gần một năm nay, vắc-xin thủy đậu đã không còn một mũi nào
tại các cơ sở y tế ở TPHCM. Các điểm tiêm phòng vắc-xin này đều dán
thông báo “Hết vắc-xin thủy đậu” và không biết khi nào có lại. Trong
khi cùng với dịch sởi đang bùng lên, thủy đậu vẫn gia tăng từng ngày.
Báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho thấy bắt đầu từ tháng 3,
bệnh thủy đậu gia tăng ở TPHCM với 40-50 ca mỗi tuần. Từ đầu năm
đến nay đã có hơn 400 trẻ ở TPHCM mắc thủy đậu phải nhập viện điều trị,
tăng hơn 220% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra có hàng nghìn trẻ khác ở
các tỉnh đổ về các bệnh viện truyền nhiễm ở đây khiến bệnh viện quá tải
và nguy cơ lây lan nhanh. Ngoài
thông báo hết vắc-xin thủy đậu được dán cả năm nay, Viện Pasteur TPHCM
mới đây dán thêm thông báo mới: “Hết vắc-xin cúm cho trẻ dưới 3 tuổi,
hết cả vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1”. “Chúng tôi không rõ thời
điểm nào có vắc-xin trở lại”- thông báo nêu. Tại các bệnh viện phụ sản
lớn của TPHCM như Từ Dũ và Hùng Vương hai loại vắc-xin “5 trong 1”
Pentaxim và “6 trong 1” Infanrix - hexa ngừa 6 bệnh: Bạch hầu, ho gà,
uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do HiB và viêm gan B thuộc dạng dịch
vụ cũng hết hàng. Đơn vị chủng ngừa ở BV Từ Dũ cho biết, vắc-xin
bị đứt hàng từ nhiều tuần qua, dự kiến từ nhà cung cấp đến cuối tháng 4
hoặc tháng 5 mới có trở lại. Không còn vắc-xin dịch vụ để tiêm,
nhiều bà mẹ phải tiêm vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng “5
trong 1” Quinvaxem; “3 trong 1” ngừa sởi, quai bị và rubella hoặc các
vắc xin đơn liều. Hai loại vắc-xin dịch vụ này ở BV Nhi đồng 2 cũng đã
hết trong nhiều tuần qua. Tại Khoa Trẻ em lành mạnh của bệnh viện này
thông báo hết vắc-xin và chưa biết khi nào có lại. Theo bác sĩ
Phạm Lê Thanh Bình- trưởng Khoa Trẻ em lành mạnh, những tháng qua do
nhiều dịch bệnh nên lượng trẻ đến chích ngừa vắc-xin 5 trong 1 và 6
trong 1 gia tăng. Theo báo cáo trong tháng 3 và đầu tháng 4 lượng trẻ
đến chủng ngừa tăng lên trên 400 trẻ/ngày so với 250 trẻ thời gian từ
tháng 2/2014. Đại diện Cục Y tế dự phòng khẳng định nhờ tiêm phòng
vắc-xin mà mỗi năm hàng nghìn trẻ thoát tử vong do dịch bệnh gây nên.
Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh hiện nay được các đơn vị y tế dự
phòng đưa ra là tuyên truyền bằng khẩu hiệu là chính. Sau gần một
năm dịch thủy đậu xuất hiện, bệnh nhân mắc bệnh ngày một gia tăng, người
dân nháo nhác đưa con đi tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu đều lắc đầu quay về
vì hết hàng. Giữa tháng 3/2014, nghĩa là sau gần 1 năm hết
vắc-xin thủy đậu ở VN, 98 nghìn liều vắc-xin này mới được nhập về, kiểm
định và đưa vào tiêm chủng dịch vụ. Ngoài ra, hai loại vắc-xin khác là
“5 trong 1” và “6 trong 1” cũng lần lượt làm thủ tục nhập về sau nhiều
tuần khan hàng. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở vẫn cháy vắc-xin không lý
do.
Nhiều loại vắc-xin ở Viện Pasteur TPHCM đã được thay đổi giá so với cách
đây một tháng, trong đó có loại vắc-xin tăng giá lên 20-30%. Loại
vắc-xin huyết thanh kháng uốn ván Tetanea từ 70 nghìn tăng lên 100 nghìn
đồng/liều; vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi A loại Avaxim tăng lên 55
nghìn đồng/liều. |
|
14h ngày mai (22/4/2014), aFamily sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến: Dịch sởi 2014 - Cái nhìn toàn cảnh, với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Vinmec. Ngay từ bây giờ, nếu có câu hỏi liên quan đến vấn đề "nóng" này, bạn có thể gửi câu hỏi về email: [email protected] để được các bác sĩ giải đáp chi tiết. |