Những ngày qua, trên mạng xã hội, câu chuyện của Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ngụ tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk), phải cưa chân phải vì hoại tử sau khi bó bột tại một bệnh viện huyện do sự tắc trách của bác sĩ được nhiều người quan tâm.
"Em tôi mơ ước làm công an nhưng không được nữa rồi"
Chuyện của Vi, sự tắc trách của bác sĩ được cả cộng đồng quan tâm bắt đầu
từ chia sẻ của Lê Thùy Trang (20 tuổi, sinh viên trường CĐ sư phạm Đắk Lắk, chị gái Vi). Trang
nghẹn ngào kể: “Mỗi lần nghĩ lại thời điểm bác sĩ bảo chân em phải cưa, tôi rất đau đớn. Khi nhận hung tin, cả nhà ai cũng sốc. Tôi đã khóc rất nhiều và
không sao tin em gái tôi bị gãy chân nhẹ, trong khi người ta bó bột còn em thì
phải cưa chân. Cả nhà tôi rất khó chấp nhận sự thật này."

Trước nỗi đau của cô gái nhỏ mới hôm nào còn tung tăng vô tư, gia đình,
Trang gần như ngã quỵ. Những ngày sau, thấy cần phải làm điều gì đó để lấy lại
sự công bằng cho em gái, Trang viết câu chuyện lên facebook. “Gia đình tôi vốn
thuần nông, đâu có tiếng nói nên chỉ còn cách này. Em hy vọng nhiều người quan
tâm, lên tiếng ủng hộ em. Lúc viết, tôi vừa thương Vi vô cùng vừa tức tưởi tại
sao số phận nghiệt ngã với em gái như vậy”, Trang bộc bạch.
Rất nhanh chóng, chia sẻ của Trang đã được hàng ngàn người quan tâm. Vài ngày sau, Bộ Y tế cũng vào cuộc điều tra. “Ngay bây giờ, tôi vẫn không muốn tin em gái đã không còn cơ thể lành lặn. Nhưng tôi thấy an ủi được phần nào vì có được nhiều người chia sẻ. Ngẫm lại, tôi thấy bản thân làm chị mà tệ quá, không lo được gì cho Vi”, người chị nghẹn ngào khi không xuống được Sài Gòn để chăm sóc cho em gái.

Hình ảnh Hà Vi ôm chầm lấy mẹ để nói lời động viên “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc,
nếu mẹ khóc, con vẫn còn sống với mẹ” luôn khiến Trang rơi nước mắt khi nhớ lại.
Trang cho biết, cô rất sợ cảm giác về nhà vì nhà vắng tanh, cậu em út luôn nhắc
nhớ chị Vi. Dù vậy, Trang cũng hạn chế điện thoại cho Vi vì “sợ nghe thấy em khóc
thì mình lại buồn hơn”.
Trang chi biết thường ngày, hai chị em gái luôn quấn quýt, chia sẻ với nhau mọi điều. Từ
ngày biết Trang thích ngành công an, cô em gái Hà Vi cũng thích theo. “Em ấy bảo là
nhìn màu xanh áo lính là thích rồi. Biết tôi thi 2 lần vẫn không đậu, em động
viên và hứa sẽ thay chị vào học ngành đó. Nghe câu nói ấy, tôi rất cảm động. Nhưng
bây giờ, có lẽ Vi chưa thể viết tiếp ước mơ ấy rồi” Trang chia sẻ.
Mỗi lần hỏi thăm Vi, cô em đều động viên ngược lại chị, mong chị giữ vững
tinh thần, cố gắng học hành để có công việc tốt sau nay. Với người chị gái, điều
lo lắng nhất là tương lai của em gái. Cô bày tỏ: “Tôi và gia đình tha thiết
mong sau khi Hà Vi tiếp tục học lên một chuyên ngành phù hợp, bệnh viện có thể
đón nhận và tạo điều điện cho em công tác tại đây”.
“Em muốn về nhà, muốn đi học lại”
Một tuần rưỡi nằm viện và chịu nhiều đau đớn, nhiều lần cô nữ sinh 15
tuổi khóc vì những cơn đau. Nhưng không vì thế mà Vi trở nên tuyệt vọng. Cô động
viên ngược lại ba mẹ, chị gái đừng quá đau buồn. Trên trang cá nhân, Vi liên tục
đăng tải những dòng trạng thái cho thấy ý chí mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, sự
bất hạnh của bản thân.
“Chỉ là số phận trớ trêu, đâu ai lường trước được điều gì. Thứ bây giờ
tôi cần là gia đình và nghị lực sống. Một chân nhưng không sao!”, Vi viết. Chia
sẻ với chị gái, cô nữ sinh luôn bày tỏ mong muốn được sớm xuất viện vì nhớ gia
đình, bạn bè, muốn về nhà để được đi học lại.

Những ngày chăm sóc con gái tại bệnh viện Chợ Rẫy, anh Lê Văn Long (43
tuổi, ba Hạ Vi) cho biết, cô con gái mình vẫn tươi tỉnh như chấp nhận cái sự
nghiệt ngã ập đến với mình. “Dù vậy, đêm đến cháu nó hay khóc, phần vì đau, phần vì tủi
thân. Cháu bảo chỉ muốn về nhà càng sớm càng tốt”, anh Long nói.
Theo anh Long, mấy ngày nay, có một bác sĩ do bệnh viện H.Cư Kuin cứ đến
chăm lo động viên gia đình. “Họ tạm thời hỗ trợ 20 triệu tiền thuốc men, chúng
tôi cũng nhận. Phía bệnh viện cũng hứa sẽ chăm lo cuộc sống ổn định cho bé Vi.
Hiện giờ gia đình vẫn đang bối rối nên biết làm gì”, anh Long chia sẻ.

Anh cũng cho biết, phía bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã liên
hệ để hỗ trợ Vi gắn chân giả. Gia đình cũng vui mừng khi được nhận sự giúp đỡ này. Vi sẽ được
chuyển đến để được hỗ trợ chăm sóc và điều trị tâm lý. Sau đó, các bác sĩ sẽ
làm chân giả theo số đo chân để gắn vào cho em tập luyện. “Ai cũng mong Vi sớm
đi lại bình thường”, anh Long nói.
