Tôi năm nay 67 tuổi. Vợ chồng tôi từng từ tay trắng gây dựng nên một xưởng sản xuất đồ nội thất nhỏ, rồi từng bước phát triển thành doanh nghiệp gia đình hơn 50 công nhân, ăn nên làm ra ở đất Bình Dương. Gần đây, chồng tôi sức khỏe yếu đi rõ rệt, thường xuyên phải nhập viện. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện chia tài sản cho các con, mà lòng rối bời như tơ vò.

Chúng tôi có 4 người con: Hoa – con gái cả, 38 tuổi, là giáo viên cấp 3, chồng làm công chức, hai vợ chồng sống giản dị ở Đồng Nai; Mạnh – con trai thứ, 35 tuổi, đang quản lý nhân công ở xưởng; Tuấn – con trai út, 32 tuổi, học nước ngoài về, hiện làm việc cho công ty nước ngoài, lương cao, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh; Chi – con gái út, 30 tuổi, mở tiệm mỹ phẩm online, buôn bán khấm khá, chồng làm tự do.

Đầu tháng 4 vừa rồi, ngay khi chồng tôi được xuất viện về nhà, chúng tôi gọi cả 4 con trai gái dâu rể cùng các cháu về nhà họp gia đình.

Tôi tuyên bố thẳng rằng đã lớn tuổi, muốn thu xếp chuyện chia tài sản để sau này bố mẹ khuất núi, không lo các con tranh cãi. Xưởng nội thất là tài sản lớn nhất. Ngoài ra còn 2 căn nhà: một ở thành phố Thuận An, một ở ngay cạnh xưởng.

Tưởng các con sẽ bàn bạc tử tế, ai ngờ…

Chia tài sản, con nào cũng nhao nhao đòi quyền thừa kế, buộc tôi phải tìm luật sư để lập bản di chúc đặc biệt: Đọc xong, không con nào dám ý kiến!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mạnh nói ngay: "Con đang quản lý xưởng nên con xin nhận xưởng để tiếp tục làm ăn".

Tuấn gằn giọng: "Anh có biết gì về kinh doanh đâu mà đòi lấy xưởng, em học nước ngoài về mảng tài chính kinh doanh, để xưởng cho em điều hành. Anh vẫn cứ làm bên nhân công thôi".

Chi cũng chen vào: "Thế còn con? Con cũng biết buôn bán đấy".

Hoa im lặng. Tôi nhìn nó, nó chỉ cười nhẹ: "Con làm giáo viên, con không am hiểu về kinh doanh, cũng chẳng biết việc ở xưởng nên bố mẹ chia cho con cái gì thì con nhận cái đó".

Vợ chồng tôi ngồi nghe các con cãi nhau mà mệt mỏi tâm trí. Các con ầm ĩ một hồi nhưng chung quy lại vẫn là tranh nhau xưởng, ai cũng muốn đứng tên làm chủ, không ai chịu làm công cho người kia.

Đêm đó, tôi mất ngủ. Tôi thấy lòng mình như rách đôi: chia đều thì không hợp lý – Mạnh rõ ràng đã đổ bao công sức vào xưởng; Tuấn giỏi nhưng không gần gũi gia đình; Chi có chí, tự lập nhưng cũng tiêu xài hơi bốc đồng; còn Hoa thì luôn thiệt thòi, lại không đòi hỏi.

Tôi hỏi chồng nên chia thế nào cho ổn. Chồng tôi chỉ đáp: "Bà hiểu con hơn tôi, bà chia thế nào thì tôi nghe thế, nhưng hãy chia sao cho chúng còn nhìn mặt nhau được".

Tôi quyết định nhờ luật sư tư vấn, lập một bản di chúc đặc biệt.

Chia tài sản, con nào cũng nhao nhao đòi quyền thừa kế, buộc tôi phải tìm luật sư để lập bản di chúc đặc biệt: Đọc xong, không con nào dám ý kiến!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hôm 20/4, chúng tôi mời các con về, mở bản di chúc ngay tại nhà. Tôi nói: "Di chúc này không chia đều, cũng không chia bất công. Mẹ chia theo tấm lòng và trách nhiệm từng đứa đã gánh vác và hy sinh".

Mạnh được quyền điều hành xưởng, nhưng không được sở hữu toàn bộ – phải chia lợi nhuận hằng năm cho 3 anh chị em còn lại. Tuấn được căn nhà ở thành phố, con có thể bán để mua nhà ở nơi khác hoặc để khởi nghiệp, tùy con. Chi được căn nhà gần xưởng – thuận tiện cho việc buôn bán. Hoa – con gái cả – được tôi chia cho 5 tỷ trong số tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi. Tôi cũng viết rõ trong di chúc, nếu con nào có ý định bán xưởng, hay bất đồng ý kiến về việc điều hành xưởng, phải họp mặt và nhờ đoàn luật sư tư vấn.

Tôi biết, tài sản có thể gây chia rẽ, nhưng cũng có thể là sợi dây ràng buộc. Nếu người nắm giữ nó biết cách đặt tình thân lên hàng đầu. Tôi không biết liệu rằng sau này các con tôi có vì tài sản mà đánh mất tình anh em hay không, nhưng tôi đã làm hết sức mình rồi! Chỉ mong các con hiểu tấm lòng người cha người mẹ mà yêu thương, đoàn kết với nhau.