"Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn".

Đó là những dòng chữ đầy đau thương nhưng cũng đầy tự hào của 3 chiến sĩ giải phóng mãi mãi nằm lại giữa núi rừng sau khi hoàn thành sứ mệnh cuối cùng. Từ sâu thẳm giữa đại ngàn Đông Nam Bộ năm 1966, những dòng chữ viết ấy được viết trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời 3 chiến sĩ giải phóng mang theo hơi thở của chiến tranh, nỗi đau của hy sinh, và niềm tin mãnh liệt vào ngày hòa bình. Hơn 50 năm sau, lá thư ấy không chỉ là kỷ vật lịch sử mà còn là tiếng nói của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hãy cùng trở lại lịch sử với truyện ngắn “Bức thư gửi lại người đang sống”, in trong tập hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà, được Báo Bình Dương đăng tải.

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 1.

Sứ mệnh cuối cùng

Những dòng chữ trong bức thư ấy đưa chúng ta trở lại với một sự kiện lịch sử xảy ra cách hôm nay (2025) gần 60 năm. Ngày đó, sau trận tập kích của Trung đoàn Bình Giã và một số đơn vị khác thuộc Bộ Tư lệnh Miền, diệt một lực lượng lớn quân Mỹ – Ngụy ở Bông Trang – Nhà Đỏ (Thủ Dầu Một), tháng 2/1966, trên đường rút về hậu cứ, một tiểu đội, trong đó có các anh Vũ, Chí, Dũng, được phân công nghi binh, đánh lạc hướng địch, để trung đoàn trở về an toàn.

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 2.

Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn vào tối 27/4 đã kể lại câu chuyện của một bức thư đặc biệt. Ảnh: VTV.

Một tiểu đội 11 người với những chiếc bật lửa và vài chiếc máy thông tin, mỗi người một khẩu AK đã làm tròn nhiệm vụ tạo dấu vết một trung đoàn hành quân về hậu cứ sau trận tập kích thắng lợi. Sau mấy ngày băng rừng, vượt suối, hứng chịu hàng chục phi vụ rải thảm của B52, 8 người hy sinh; phương tiện thông tin hư hỏng, 3 chiến sĩ còn lại đã tới được cánh rừng này. Nhưng lúc này đây, cả 3 biết rằng mình sẽ phải trải qua những ngày tháng như thế nào: “Đói quay đói quắt…, khát như khô cháy cả ruột gan…” và mang trên mình đầy thương tích giữa đại ngàn sâu thẳm. Đứng giữa những quyết định dù lựa chọn như thế nào cũng sẽ chỉ có một đáp án, các anh quyết định dừng lại.

“Quyết định rồi chúng tôi tự thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn lên… Dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại viết một tường trình cuộc chiến đấu gửi lại cho ai đó tìm được…

Mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gỗ tơ còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài đồ vật còn lại… Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc chúng tôi đã làm…”.

Những dòng chữ xuyên thời gian

Sau khi chọn cho mình cái chết, 3 chiến sỹ – người yếu viết trước, người còn sức dành viết sau. Các anh viết:

"Chúng tôi: 1. Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; 2. Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi; 3. Trần Viết Dũng, quê thành phố Sài Gòn, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn BG (Bình Giã), Quân giải phóng miền Nam…".

Những lời giới thiệu tưởng chừng như rất bình thường nhưng đó lại là lần cuối các anh được nói về bản thân. Và cũng trong lần cuối của nhiều điều khác, các anh dồn chút sức lực còn lại viết về cuộc chiến đấu trong mấy ngày qua, về sự hy sinh của đồng đội; những tình cảm thân thương da diết đối với bố, mẹ, vợ con, người thân, quê hương… và bày tỏ niềm tin vào ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng.

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 4.

Trung đoàn 1 chủ lực Miền chiến thắng trận Bình Giã nhận danh hiệu mang tên “Đoàn Bình Giã”, tháng 1 năm 1965 (Ảnh tư liệu - Báo Bình Dương)

"Vũ, quay nhìn về phương Bắc, nói: “Bố ơi! Suốt đời bố lao động cực nhọc! Ngày còn rời trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau mới 3 năm kỳ cục ở đấy, tình nguyện vào Nam chiến đấu, bố vừa thương, vừa đồng tình nhưng dặn: “Chiến đấu xong về học tiếp nghe con! Đời bố, đời ông có đâu dám mơ đại học”. Giờ thì con xin lỗi bố, không thực hiện được lời bố dặn. Dành cho các em con, các cháu nhỏ của xóm làng vậy”.

Chí thì lờn tuổi hơn Vũ, đã có người yêu ở quê nhà. Anh khoe: “Cả nhà mình đều là du kích đấy! Mẹ mình... rồi mắt anh nhìn xa xăm... đã già rồi nhưng vẫn đứng vững khi anh mình hy sinh ở trận Vạn Tường. Bây giờ đến mình, chắc chắn mẹ vẫn dũng cảm, mẹ nhỉ. Còn Hương của mình, khi chia tay nhau Hương thách thi đua giết giặc với mình. Anh chịu thua em rồi, Hương của anh...”.

Mỗi người là một tâm tình. Tôi thì cha mẹ mất sớm. Tôi thương vợ, thương con. Ôi bàn chân con mũm mĩm thật là xinh, ngày nay hẳn đã cứng cáp. Vợ tôi: Trâm, trong đội nữ biệt động Sài Gòn đã hẹn, ngày tôi ra khu xin vào chủ lực: Bao giờ chủ lực các anh đánh về thành, biệt động chúng em sẽ đánh kết hợp thật đẹp. Trâm ơi! Em gánh vác thêm nhiệm vụ của anh từ đây em nhé, con lớn sẽ thay anh nếu giặc vẫn còn”.

...

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 5.

Trong ảnh được phục dựng là ba chiến sĩ Uyển, Tuyến, Thư thuộc Tiểu đoàn Đặc công 10, tỉnh Quảng Trị. Bức ảnh chụp trước lúc đơn vị làm lễ "Truy điệu sống" cho những chiến sĩ trong mũi cảm tử đánh vào trung tâm năm 1969.

"Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư. Thư phải về tới tay những người đang sống…

Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên...".

....

"Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.

Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích – Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh...".

Dù cho thời gian sống chỉ còn đếm ngược từng phút, các anh vẫn cố gắng hết sức viết những dòng run rẩy, nguệch ngoạc vì bị thương, đói, khát nhưng ý tứ và câu từ của các anh thì vô cùng sáng rõ khi các anh đã định ra nhiều khoảng thời gian gần – vừa – xa để nhắn nhủ cho tương lai. Một tương lai mà các anh tại thời điểm đó, dù rất mong nhận được lời hồi đáp thật sớm cũng chẳng biết đến bao giờ những người còn sống mới tìm thấy.

Để rồi các anh ngã xuống không cầu mong một tượng đài to đẹp để tưởng nhớ, mà các anh chỉ mong rằng những thế hệ sau đừng lãng quên mình. Bởi không ai muốn lãng quên trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt là đối với những người đã ngã xuống, gánh vác sứ mệnh vẻ vang. Và hơn hết, trước cái chết, các anh vẫn rất bình thản vì đã đặt niềm tin vào tương lai của đất nước, cho những người đang sống và cho thế hệ trẻ tương lai. Những lớp người của thế hệ tương lai sẽ thay họ bước tiếp con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để cái chết của các anh không trở thành vô nghĩa, để xã hội Việt Nam mai sau trở nên tươi đẹp.

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 6.

Mùa Xuân bất tử giữa núi rừng Đông Nam Bộ

Mười tám năm sau, là thư bất tử ấy đã đến được tay "những người đang sống" như điều mà các anh mong muốn. Nhưng các anh đã mãi mãi nằm lại giữa núi rừng Đông Nam Bộ vào mùa Xuân ấy.

Đó là vào mùa xuân năm 1984, chín năm sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, trong một chuyến khảo sát để quy hoạch cơ sở sản xuất của đoàn cán bộ Nông trường “Giải phóng” – tỉnh Sông Bé (nay thuộc Bình Dương), do đồng chí Nhân – Thượng tá quân đội chuyển ngành, nguyên cán bộ Trung đoàn Bình Giã - dẫn đầu, ngược thượng nguồn sông Đồng Nai tới một vùng đồi rừng. Khi lạc bước vào một góc rừng nguyên sinh thượng, một cảnh tượng khiến trái tim họ thắt lại.

Trên 3 chiếc võng dù cùng cột chung đầu vào một thân cây, là 3 bộ hài cốt của 3 chiến sĩ Quân giải phóng. Cạnh mỗi bộ hài cốt là một khẩu AK han rỉ, một đôi dép cao su. Di vật duy nhất còn nguyên vẹn – một lá thư bọc kín trong ni lông – mở ra câu chuyện bi tráng về tiểu đội anh hùng Trung đoàn Bình Giã: Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí, Trần Viết Dũng.

"Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn...".

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 7.

Đó là mùa Xuân năm 1966 cũng là mùa Xuân cuối cùng của 3 chiến sĩ Giải phóng, họ mãi ở lại mùa Xuân ấy, giữa núi rừng Đông Nam Bộ, giữa những mảnh đất lành quê hương, trong lòng đất mẹ khi mới ở tuổi đôi mươi. Nhưng với họ, cái chết không đáng sợ, bởi họ "đã sống và chiến chiến như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn".

...

"Ban đêm những tán lá sum suê được cài muôn ngàn những vì sao lấp lánh, phải chăng là những vòng hoa thiên nhiên không bao giờ tàn tạ đã dành cho chúng tôi. Tiếng gió rì rào như tiếng nhạc rừng cùng tiếng chim ca hót vào buổi bình minh phải chăng là bản hòa tấu âm thanh muôn thuở ru hồn chúng tôi trong giấc ngủ ngàn thu.

Chúng tôi rất bằng lòng, lòng thanh thản kỳ lạ. Thì ra cái chết có gì là ghê gớm lo âu đâu. Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc của mình đã làm...".

...

Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ.

Vũ-Chí-Dũng”.

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 8.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao cờ cho Trung đoàn Bình Giã (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9). Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4 - Báo Bình Dương.

Thế nhưng dù các anh mãi nằm lại ở mùa Xuân năm ấy, nhưng hiện tại 50 năm sau, hay 1000 năm nữa các anh vẫn mãi là Mùa xuân bất tử giữa đại ngàn Đông Nam Bộ, là những đóa hoa không tàn, mãi nở rộ trong lòng dân tộc, nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình và trách nhiệm giữ gìn đất nước mà các anh đã đánh đổi bằng cả mạng sống.

Lá thư lần đầu tiên được công bố rộng rãi vào năm 2003, trên tạp chí Nghệ thuật Quân sự Việt Nam, như một kỷ vật quý giá minh chứng cho tinh thần bất khuất của các chiến sỹ Giải phóng. Đến năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam và 60 năm Quốc khánh 2/9, báo Tiền Phong đã đăng lại đoạn trích của lá thư, khiến hàng triệu trái tim người Việt rung động.

Cùng năm đó, toàn bộ nội dung lá thư được nhắc đến trong tập sách "Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" của Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Hiện tại, lá thư bất tử được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), nơi gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng của lịch sử dân tộc.

Ngoài ra, bản sao và nội dung lá thư cũng xuất hiện trong các triển lãm lưu động, như tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) trong triển lãm “Thắp ngọn lửa hồng” (15/8/2024) và tại Bảo tàng Bình Dương – nơi lá thư được tìm thấy. Những dịp kỷ niệm lớn như ngày 30/4/2025 càng khiến lá thư trở thành tâm điểm, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ.

Lá thư bất tử của 3 chiến sỹ Giải phóng không chỉ là một di vật lịch sử mà còn là một sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay về lòng yêu nước và trách nhiệm với đất nước. Trong dịp kỷ niệm 50 năm, hãy đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hoặc các triển lãm tại địa phương, để đọc và cảm nhận những dòng chữ đã vượt thời gian, để lại dấu ấn vĩnh cửu trong trái tim người Việt.

"Chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và chết trong một mùa Xuân, như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam cho Tổ quốc" - Ảnh 10.