Bậc thầy nghi lễ hàng đầu thế giới William Hanson (Anh) từng nói: “Người tinh ý chỉ cần một bữa ăn là có thể biết được hoàn cảnh sống của cha mẹ bạn và nền tảng giáo dục của bạn ra sao”.
Theo đó, lễ nghi trên bàn ăn có mối liên hệ chặt chẽ với cách giáo dục trong gia đình từ thuở nhỏ. Người không biết giữ lễ trên bàn ăn, điều phản ánh đầu tiên không phải là thói xấu, mà chính là cách cha mẹ họ dạy dỗ và trình độ văn hóa chung của gia đình họ.
1. Sự giáo dục của cha mẹ quyết định phẩm chất của con cái
Trong một nhà hàng nọ, có một cặp vợ chồng dẫn theo cậu con trai 9 tuổi đi ăn. Trong suốt bữa ăn, cậu bé nghịch ngợm không yên, ăn được vài miếng đã chạy lung tung, len qua các bàn khác để gắp món mình thích, sau đó chất đầy thức ăn trong bát rồi không ăn hết. Nhưng người mẹ lại dường như không để tâm, chỉ mải trò chuyện với mọi người xung quanh, làm như không nhìn thấy việc mấy vị khách bị nước canh con cô ấy hất lên người.
Khi trò chuyện, người mẹ kể rất nhiều về chuyện học hành của con, nào là thành tích tốt, cao ráo, đẹp trai, là người kéo cờ cho lớp. Dù vậy, bà mẹ vẫn chưa hài lòng, còn nói định cho con theo học lớp nâng cao bên ngoài.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, 30 năm sau, liệu đứa trẻ ấy có trở thành một người “ba cao” – thu nhập cao, thành tích cao, địa vị xã hội cao?
Ngay cả khi có thể, nhiều người vẫn cảm thấy với biểu hiện của cậu bé và thái độ của người mẹ, tương lai cậu rất có thể sẽ vấp ngã bởi hai chữ “giáo dưỡng”.
Tại sao lại nói vậy? Bởi có một câu chuyện như sau:
2. Giáo dưỡng của con trẻ quyết định sự phát triển tương lai
Một người kể rằng, trong buổi tuyển dụng gần đây của công ty cô ấy, có một ứng viên rất xuất sắc: tốt nghiệp đại học danh tiếng, CV cực kỳ đẹp, bài thi viết điểm cao chót vót và được mời tham dự bữa tiệc phỏng vấn có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao.
Trong bữa tiệc, cậu ứng viên thao thao bất tuyệt, nước miếng văng tứ tung, không coi những khách mời khác ra gì, khiến mọi người vô cùng thất vọng.
Cuối cùng, công ty trả lời rằng: Mặc dù năng lực xuất sắc nhưng vì không biết tôn trọng người khác, thiếu giáo dưỡng, nên không thể nhận vào làm việc.

Ảnh minh họa
3. Lễ nghi trên bàn ăn là điều cha mẹ tuyệt đối không được xem nhẹ
Ăn uống là một hoạt động xã hội không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.
Chúng ta ăn với đồng nghiệp, với bạn bè, với người thân, bàn công chuyện trên bàn ăn, gắn kết tình cảm cũng trên bàn ăn, phát triển các mối quan hệ cũng từ đây mà ra.
Có thể khẳng định: Hình thành thói quen ăn uống đúng mực là tiền đề quan trọng để con cái sau này bước ra xã hội và gặt hái thành công.
Việc giáo dưỡng này chính là tài sản vô hình quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con – một loại tài sản lâu dài và vô hạn.
4. Cha mẹ cần chú trọng rèn luyện lễ nghi trên bàn ăn cho con
Trên bàn ăn, ngày càng nhiều cha mẹ quan tâm đến dinh dưỡng, nhưng lại lơ là việc dạy con lễ phép và cư xử đúng mực.
Chúng ta đã quá quen với hình ảnh con trẻ ăn uống không đẹp mắt: Có bé nằm rạp lên bàn, đảo tung đĩa đồ ăn như “càn quét” chiến trường. Có bé thấy món mình thích là bất chấp tất cả mà gắp vào bát. Có bé ăn uống phát ra tiếng lớn, húp canh “xì xụp” đầy âm thanh…
Thế nhưng cha mẹ lại coi như không có gì, thậm chí còn cười nuông chiều. Khi bạn xem nhẹ lễ nghi bàn ăn của con, tức là bạn đã vô tình đóng cánh cửa để con thể hiện bản thân trước người khác.
Trên bàn ăn, thông qua dáng ngồi, động tác, nét mặt, ánh mắt… đứa trẻ đang dùng thứ ngôn ngữ không lời để nói lên cha mẹ của mình là người thế nào.
Bạn sống với tâm thái ra sao, có tôn trọng người khác hay không, là người tự tin thành công hay tiêu cực thất bại – chỉ một bữa ăn thôi cũng có thể cho người khác biết.
Vì vậy, rèn luyện ngôn ngữ cơ thể phù hợp khi ăn uống cũng đồng nghĩa với việc giúp con sửa bỏ những thói quen vụng về, cẩu thả của người thất bại và hình thành thói quen đĩnh đạc, có chừng mực của người thành công.
5. Những thói quen tốt con nên có khi dùng bữa
Trước khi ăn: người lớn ngồi trước, trẻ nhỏ sau; đợi cả nhà ngồi vào chỗ mới bắt đầu ăn. Học cách cầm bát và dùng thìa, đũa đúng cách. Tay trái cầm bát (ngón cái ở miệng bát, bốn ngón còn lại dưới đáy), tay phải cầm thìa hoặc đũa để ăn.
Trong quá trình ăn, giữ bàn ăn sạch sẽ. Ăn từ tốn, nhai kỹ, không nói khi đang nhai, không phát ra âm thanh khi ăn hoặc uống. Không lật tung đĩa thức ăn, một số món nên dùng đũa gắp riêng; đũa dính thức ăn không được gắp tiếp.
Không dùng đũa thìa chỉ trỏ vào người khác. Ăn đúng bữa, đúng lượng, không kén chọn hay ăn uống vô độ, biết quý trọng thực phẩm.
Khi rời bàn ăn, dọn sạch phần ăn của mình, đặt lại ghế ngay ngắn, nói với mọi người: “Chúc mọi người ngon miệng, con/xin phép đi trước”.
Nếu ngay bây giờ bạn có thể biết trước rằng 30 năm sau con mình sẽ trở thành người như thế nào, làm công việc gì, kết hôn với ai, đạt được thành tựu gì, thuộc tầng lớp xã hội nào…
Liệu bạn có nhìn lại cách mình đang giáo dục con, để rồi nhận ra có điều đang làm quá ít, và có điều đã làm quá nhiều?
Hiện tại – mọi thứ vẫn còn kịp để bắt đầu lại.