Giúp việc tọc mạch, “chỉ đạo” chủ nhà nuôi con
Người giúp việc toàn thời gian đầu tiên của chị là một cô 59 tuổi, làm 2 - 3 ngày, chị thấy không ổn nên định cho thôi. Lý do chị nổi cáu với bà giúp việc này là bởi, có lẽ vì lớn tuổi, bà chỉ thích ngồi ôm em bé xem ti vi chứ không thích làm việc. Điều khiến chị không hài lòng nhất, đó là bà luôn hỏi mấy câu riêng tư kiểu như: con làm lương tháng bao nhiêu, chồng con bao nhiêu, chồng có đưa tiền cho con không, tụi con có nuôi ba mẹ không, ba mẹ làm gì, anh em con làm gì, có hay đến đây không?... khiến chị cảm thấy khó chịu.
Khi bị cho nghỉ việc, cô này không chịu, chị Thúy phải nói khéo là cô hơi lớn tuổi, em bé 9 - 10 tháng là biết bò, 12 tháng biết đi, cô sẽ đi theo không kịp nên có lẽ cô kiếm chỗ nào có em bé nhỏ hơn hoặc lớn hơn hẳn, biết nghe lời để làm giúp việc thì tốt hơn. Tuy nhiên, bà giúp việc này vẫn ở lại nhà chị thêm 10 ngày trong thời gian kiếm việc khác, và đó là 10 ngày “địa ngục”.
“Mình không có duyên lắm với người giúp việc lớn tuổi, có lẽ do thế hệ khác nhau, quan điểm khác nhau, đặc biệt là trong cách nuôi con. Người già thích lấy kinh nghiệm cũ của bản thân để dạy người khác hơn là cập nhật kiến thức khoa học. Mình phải đi làm, rất bận rộn và mệt mỏi, nên khi thuê giúp việc, mình hy vọng họ sẽ hỗ trợ mình chăm sóc em bé theo cách của mình.
Bà giúp việc đầu tiên mình thuê khi em bé còn nhỏ. Mình cho con bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, và đã giải thích nhiều lần rằng em bé chỉ cần bú mẹ là đủ, vậy mà cô ấy cứ bắt mình cho bé uống nước vì sợ bé khát. Quan điểm về chăm sóc người mẹ cũng khác nhau, mình ăn gì bà cũng bảo phải kiêng mồm miệng đi, không thôi sẽ bị này bị nọ, còn kể mấy ví dụ dưới quê cô có người bị này bị kia vì ăn A, ăn B, ăn C. 1 – 2 lần không sao, nhưng bà "nhiệt tình" nói đi nói lại suốt khiến mình không thoải mái. Bà cũng hay so sánh công việc của nhà này với công việc của nhà kia nữa. Sau khoảng nửa tháng, mình phải nhờ mẹ nói khéo để cho bà nghỉ việc” – chị giãi bày.

Chị Lâm Thanh Thúy từng bị những người giúp việc lớn tuổi "chỉ đạo" chuyện nuôi con.
Nản với giúp việc già thích “làm duyên” với ông chủ, oải với osin trẻ đoảng việc, mải chơi với bạn tra
Sau mấy lần gặp nạn với giúp việc lớn tuổi, chị Thúy được hàng xóm giới thiệu một nhân sự khác ở tuổi trung niên. Người này khoảng 45 tuổi, hơn chồng chị tầm chục tuổi nhưng mấy ngày đi làm, lúc nào cũng đon đả, cười duyên, chăm sóc chồng chị hơn mức bình thường. Nhưng điều đó cũng không quan trọng, vì chị Thúy rất tin tưởng chồng mình. Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu sau 2 ngày làm việc, cô này lại than thở chủ kỹ tính quá, và yêu cầu… chồng chị phải hỗ trợ làm giúp việc nhà. Sau đó, người này tự xin nghỉ với lý do công việc quá nhiều mà không ai phụ giúp.
Cũng may, ngay sau đó, chị Thúy tìm được cô giúp việc trẻ hơn, sinh năm 1994, là mẹ đơn thân của một em bé 1,5 tuổi. Cô này là người giúp việc gắn bó lâu nhất với gia đình chị, được gần 1 năm. Mỗi ngày, cũng như các giúp việc trước đây, buổi sáng, việc của cô giúp việc này là sắp xếp, sơ chế thực phẩm để khi chị Thúy và em bé dậy, chị tự tay nấu ăn sáng, còn giúp việc đưa em bé đi phơi nắng. Đến khoảng 7 – 8 giờ sáng, khi đưa bé đi phơi nắng và đi dạo về, em bé sẽ được mẹ cho ăn sáng và giúp việc dọn bếp. Sau khi chị đi làm, cô giúp việc sẽ chơi với em bé, cho ngủ và lau nhà, bàn ghế, tủ kệ.
Buổi trưa, chị tranh thủ về nhà nấu cơm, ăn trưa, cho con ăn rồi hút sữa để ở nhà để giúp việc cho bé ăn cữ chiều. Từ trưa đến khoảng 17 giờ 30 chiều, công việc của giúp việc chỉ là rửa bát, cho bé ăn sữa và ngủ cùng bé. Đến chiều, giúp việc sẽ cho bé ăn bữa chiều rồi đi dạo đến tầm 18 giờ 30, khi bố mẹ bé về. Đó là lúc cô giúp việc dọn nhà tắm, phơi quần áo và hoàn tất những việc còn dở trong ngày. 7 giờ tối là lúc giúp việc nhà chị được về nhà, được đem theo đồ ăn của em bé (mà khi nấu cho con mình, tiện tay, chị Thúy nấu luôn cho con của giúp việc). Cả ngày chủ nhật, giúp việc được nghỉ.

Từ khi có người yêu, cô giúp việc nhà chị Thúy chểnh mảng việc nhà và việc chăm sóc em bé của chị. (Ảnh minh họa)
Cô giúp việc này có ưu điểm là ngoan, nghe lời mình và hiểu ý con mình, chơi với bé rất hợp, nên ban đầu, dù có một vài lỗi như không biết nấu ăn, hay làm bể đồ đạc trong nhà, bỏ quần áo màu vào chung với quần áo trắng làm hư hết đồ của mình và con…, mình sẵn sàng bỏ qua. Nhắc nhở, chỉnh nhiều không thay đổi, mình tự phân loại đồ để bỏ vào máy giặt, chỉ để cho cô ấy phơi, không giao việc sơ chế đồ ăn nữa mà chỉ giao việc trông, cho bé của mình ăn và dọn nhà".
Cao điểm khiến chị bực mình nhất, là buổi sáng, thay vì dẫn em bé đi phơi nắng sáng 30 phút, người giúp việc lại đưa bé vào quán để ăn sáng cùng bạn trai. "Mình nhắc nhở rằng bé cần được phơi nắng sớm, cô ấy có thể cho bé đi dạo xong hãy gặp bạn trai, nhưng cô ấy bảo có để... xe nôi ngoài nắng rồi. Buổi chiều cũng vậy. Mình dặn, khoảng 6 giờ chiều bé ăn xong thì cho bé đi dạo 30 - 45 phút, tới giờ mình về rồi muốn làm gì thì làm, nhưng cô ấy mải chơi với bạn trai nên thường để bé ngồi trên xe trong khi hai người ngồi tâm sự, hoặc cho bé vào siêu thị phá đồ để bé đừng chạy mất. Nhắc nhiều lần không thay đổi, mình quyết định cho cô ấy nghỉ rồi!".
"Sau khi cho bé đi học, mình sẽ không tìm thêm người giúp việc nữa"
Chị Thúy quyết định "chắc nịch" như vậy, sau 1 tuần suy nghĩ về việc cho con trai hơn 15 tháng tuổi của mình đi học mầm non. Chị cho biết, chị là người rất kỹ tính và yêu cầu cao, nên thường trả lương cho giúp việc hậu hỹ và chế độ nghỉ ngơi hợp lý (ngủ trưa, đi dạo, kết thúc công việc lúc 7 giờ tối) để họ làm việc nghiêm túc, giữ nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ. "Nhà mình chỉ có hai vợ chồng và em bé, ở trong căn hộ 100m2 cũng khá gọn gàng, không phải lau dọn nhiều, nên đa phần giúp việc không ở nổi với mình là do họ không nhiệt tình với công việc.
Ở Việt Nam, mọi người hay gặp rắc rối với giúp việc vì nhiều người không coi giúp việc là nghề nghiêm túc, thích đòi hỏi nhưng không thẳng thắn mà cứ làm nũng để được chủ đáp ứng yêu cầu. Nhiều người còn có thói quen so sánh với các giúp việc khác, nào là nhà kia làm nhàn hơn, lương người này tốt hơn mà không nghĩ rằng, nếu biết cách làm hài lòng chủ, họ sẽ được thưởng thêm.
Lấy ví dụ như người giúp việc gần đây nhất của nhà mình, ngoài lương và thưởng 6 tháng 1 lần, chế độ y tế thì còn được mang đồ ăn về cho con mỗi ngày. Đồ ăn cho bé nhà mình đều là đồ ăn ngon, tốt, nếu mua bên ngoài 20.000 – 30.000/phần thì cũng không bằng mình nấu. Tính ra mỗi tháng cô ấy tiết kiệm được thêm cả triệu tiền đồ ăn cho con mà không mất công nấu hay đi mua. Đãi ngộ như vậy mà không làm tốt thì mình phải cho nghỉ thôi!".

Em bé của chị Thủy sẽ được bà ngoại chăm sóc đến khi tròn 16 tháng rồi sẽ nhập học.