Một cư dân mạng kể: "Mấy hôm trước, trên chuyến xe buýt, tôi vô tình nghe thấy một người mẹ đang gọi điện cho con trai. Chuyện là cậu bé phạm lỗi ở trường, mẹ cậu vừa hay tin liền gọi điện, giọng đầy chất vấn:

"Con đã gần 18 tuổi rồi, mẹ thấy con thật sự quá bướng bỉnh. Chẳng lẽ vì mẹ với ba không cho con đủ điều kiện vật chất, không thỏa mãn được con, nên con mới đối xử với ba mẹ như vậy? Tính cách của con thật lạ lùng, ai nói gì con cũng không nghe, lại còn kiêu căng, giống như một công tử nhà giàu.

Ba mẹ ngày nào cũng vừa sợ con có vấn đề tâm lý, vừa sợ con gặp chuyện gì nguy hiểm, đến lời nặng cũng không dám nói với con nửa câu. Mẹ mỗi ngày nghĩ đến con là ngực lại đau thắt, mẹ thật sự sợ có ngày tức giận mà ngã quỵ mất thôi. Con ơi, sao con lại trở thành như thế này...".

Từng lời, từng chữ, như dao cứa vào da thịt.

 "Con ơi, sao con lại trở thành như thế này..." – Lời của người mẹ khiến ai nghe cũng nghẹn ngào- Ảnh 1.

Giọng người mẹ ấy không hề to tiếng, như thể đang kể chuyện phiếm với bạn bè, nhưng trong tai tôi, câu nào cũng như đang đè nặng lên con: "Con không ngoan, không nghe lời, mọi thứ ba mẹ làm đều là vì con, cũng chính vì con mà mẹ mới khổ sở thế này…".

Bà có lẽ không hiểu, tại sao mình đã dốc hết mọi thứ cho con, mà cuối cùng lại nhận về một đứa trẻ "không ngoan", "không nghe lời", "không biết điều"?

Và bên kia đầu dây, người con trai ấy, khi nghe những lời oán trách từ mẹ, liệu sẽ cảm thấy gì?

Từng có lúc, cha mẹ và con cái là những người thân thiết nhất. Vậy mà chẳng biết từ khi nào, họ lại trở thành hai đầu dây thừng, cứ giằng co, kéo rút mãi.

Không thể phủ nhận, cha mẹ yêu con nên luôn lo xa, tình yêu ấy không sai, chỉ là cách thể hiện bị lệch lạc.

Có lẽ, con bạn không phải là "đứa trẻ hư", chỉ là bạn chưa kịp nhìn thấy điều tốt đẹp trong con mà thôi.

"Nổi loạn" thực ra là tín hiệu cầu cứu của trẻ

Có một cậu bé nghịch ngợm, phá phách ở trường, thậm chí suýt bị đuổi học.

Một lần, cậu cùng vài bạn nhỏ trong làng chơi trò nhảy qua cửa sổ trong căn nhà gỗ cũ. Cậu đã nhảy qua lại nhiều lần, nhưng lần cuối, chiếc nhẫn trên ngón trỏ bị móc vào đinh sắt trên khung cửa. Ngón tay bị xé toạc, máu chảy đầm đìa, và dù được cầm máu kịp thời, cậu vẫn mất đi ngón trỏ ấy.

Câu chuyện này khiến cả làng đồn ầm lên rằng cậu "ác giả ác báo", không ai tiếc thương, chỉ mỉa mai chua chát.

Ngay cả cha cậu, cũng vô cùng thất vọng, giới thiệu con với người vợ kế bằng giọng cay đắng: "Em à, hãy cẩn thận với thằng nhóc quậy phá nhất làng này, anh sợ nó sẽ lấy đá ném em lúc nào không hay, hoặc bày trò quái đản khác khiến em không kịp trở tay".

Nhưng người mẹ kế ấy, không hề có định kiến. Bà mỉm cười, dịu dàng bảo chồng: "Anh sai rồi, nó không phải đứa trẻ xấu nhất làng đâu. Nó là đứa thông minh nhất, chỉ là chưa tìm ra nơi xứng đáng để dốc hết đam mê của mình thôi".

Cậu bé nghe vậy, nước mắt trào ra. Trước đó, cậu chưa từng được ai khen ngợi, đây là lần đầu tiên cậu cảm thấy mình được nhìn nhận.

Cậu bé ấy chính là Dale Carnegie, tác giả của "Đắc Nhân Tâm". Một lời nói ấm áp của mẹ kế đã thay đổi cả cuộc đời ông.

Thật vậy, khi trẻ bộc lộ những hành vi sai lệch, ta thường vội vàng dán cho chúng cái nhãn: "hư", "xấu". Mà quên mất, đó thực ra là cách non nớt nhất trẻ dùng để bày tỏ nhu cầu hay khả năng của mình.

Trẻ con luôn khao khát được công nhận, được thấy, và càng cần được dẫn dắt đúng đắn.

Không vội gán nhãn cho con, đó là tôn trọng lớn nhất. Dùng chính cách mình cư xử để dạy con biểu đạt, ấy là tình yêu sâu sắc nhất.

Cha mẹ và con cái, suy cho cùng là một cuộc đồng hành chứ không phải đối đầu

Cha mẹ và con cái, là mối duyên không thể tách rời. Thói quen, cách hành xử của con phần lớn được học từ cha mẹ; những vấn đề nảy sinh khi con lớn lên, cha mẹ cũng khó thể chối bỏ trách nhiệm.

Đã vậy, chi bằng chọn cách "cùng nhau hoàn thiện", còn hơn là đối đầu, oán trách lẫn nhau.

Chúng ta làm cha mẹ lần đầu, con cái cũng chỉ là lần đầu làm "con". Chẳng ai là chuẩn mực, cũng chẳng có đáp án đúng cho vai trò này.

Vậy thì, làm sao để vừa giúp con sửa sai, vừa giữ được tình cảm trong sáng giữa cha mẹ và con cái?

 "Con ơi, sao con lại trở thành như thế này..." – Lời của người mẹ khiến ai nghe cũng nghẹn ngào- Ảnh 2.

1. Xử lý cảm xúc trước, rồi mới giải quyết vấn đề

Khi con bạn nói: "Mẹ ơi, váy mới của con rách rồi!", bạn sẽ phản ứng ra sao? Phần lớn cha mẹ sẽ bảo: "Không sao đâu, để mẹ khâu lại cho." Nhưng kết quả là trẻ lại khóc to hơn.

Nhà tâm lý học Mỹ, Linehan từng nói: "Tồn tại nghĩa là được cảm nhận". Khi cảm xúc của trẻ không được nhìn nhận, trẻ sẽ cảm thấy mình "không tồn tại", dẫn đến bất an và bất lực. Vì trẻ chưa giỏi diễn đạt, nên chỉ biết khóc lóc. Vậy nên, thay vì vội an ủi, hãy nói: "Ôi, váy mới của con rách rồi, con buồn lắm phải không?".

Khi bạn gọi đúng cảm xúc ấy, trẻ sẽ cảm thấy được thấu hiểu, và từ đó, tin tưởng bạn hơn. Dù con bạn mới 3 tuổi hay đã 18 tuổi, cảm xúc ấy đều cần được nhìn nhận.

2. Quản lý cảm xúc bản thân, đừng mắng mỏ quá đà

Muốn dạy con bình tĩnh giải quyết vấn đề, cha mẹ phải làm gương trước, học cách thu xếp cảm xúc chính mình. Như trong cuốn "Kỷ Luật Tích Cực" có nói: "Khi mọi người không bị chỉ trích hay xấu hổ, ai cũng dễ dàng nhận trách nhiệm và tập trung vào giải pháp hơn".

3. Chấp nhận con và tha thứ cho chính mình

Gần đây, video một giáo sư than thở về con gái học kém đã gây bão mạng. Bố mẹ đều là "thần đồng", giỏi giang xuất chúng, vậy mà con gái lại luôn xếp gần bét lớp. Ông thẳng thắn: "Dù bạn có xuất sắc đến đâu, thì con cái bạn phần lớn cũng chỉ là người bình thường thôi. Nhận ra điều đó, chấp nhận được, thì sẽ nhẹ lòng hơn".

Thay vì ép con phải thành rồng thành phượng, chi bằng chấp nhận con với chính con người nó. Nếu may mắn con bạn thực sự tài giỏi, thì bạn quá may mắn. Còn nếu không, việc ép buộc chỉ khiến cả hai đau khổ, xa cách.

Cha mẹ cũng cần học cách tha thứ cho chính mình. Tiêu chuẩn của bạn không phải là chân lý. Hãy dừng đúng lúc, đừng để tình yêu trở thành gánh nặng nặng trĩu trên vai con.

 "Con ơi, sao con lại trở thành như thế này..." – Lời của người mẹ khiến ai nghe cũng nghẹn ngào- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Buông xuống sự cố chấp, là buông tha cho con — và cho cả chính mình.

Làm cha mẹ, ai cũng mệt nhoài trên hành trình nuôi dạy con. Khát khao "con thành tài" khiến chúng ta quên mất, đời này duyên phận cha mẹ và con cái vốn ngắn ngủi lắm.

Chúng ta muốn gì? Một đứa trẻ kiệt xuất, đơn độc trên đỉnh cao? Hay một đứa trẻ bình dị, khỏe mạnh, hạnh phúc?

Con đường phía trước là của con, còn chúng ta, sớm muộn cũng lui vào hậu trường. Thay vì cầm roi đuổi theo, chi bằng cầm cờ cổ vũ.

Đừng làm biên kịch cho cuộc đời con, hãy làm bạn đồng hành trên chặng đường con đi.