Không chỉ có đào bích, đào phai, đào 5 cánh cổ, làng đào Nhật Tân (Hà Nội) còn nổi tiếng với một giống đào quý không nơi đâu có: đào thất thốn. Những người trồng đào có tiếng ở đất Nhật Tân không nhớ nổi từ bao giờ và cũng không biết vì sao giống đào vương giả ấy lại có mặt trên đất này, chỉ biết, đó là huyền thoại từ thời cha, thời ông của họ. Đến nay, giống đào quý hiếm này dần vắng bóng tại xứ Nhật Tân bởi cái sự kiêu kỳ của mình.

Đào thất thốn - giống đào vương giả chỉ có ở Nhật Tân.

Đến nay, giống đào quý hiếm này dần vắng bóng tại xứ Nhật Tân bởi cái sự kiêu kỳ của mình.
Cũng bí hiểm như nguồn gốc, cái tên “thất thốn” của giống đào quý này
chưa được thống nhất, lý giải cho ngọn ngành. “Thốn” là đơn vị đo chiều
dài của y học phương đông cổ xưa, tương đương 1 đốt ngón tay. Có người
bảo gọi “thất thốn” bởi lá đào dài đúng 7 thốn, người lại nói cứ 7 thốn
cây sẽ chia cành một lần, 1 thốn có 7 bông hoa, người khác lại bảo, gọi
như vậy vì cứ 7 thốn sẽ có một bông mọc thẳng từ thân, 7 năm mới ra hoa
kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh...
Trước khi nở hoa, Đào Thất Thốn bao giờ cũng bung ra những chồi lộc, xanh tía như lưỡi kiếm vung lên.

Mỗi một cụm đào thất thốn có thể ra 3 - 7 bông.

Lá, nụ và thân của giống đào này có màu đỏ đặc trưng.

Một bông thất thốn mọc ngang thân.

Hoa đào thất thốn đỏ tươi thắm như đối nghịch với màu đen xù xì, cằn cỗi của gốc đào.
Hoa của đào thất thốn cũng cực kỳ đặc biệt, có hai màu nhung đỏ và hồng phai, nhung đỏ hoa kép, hồng phai hoa đơn, nhụy vàng tươi, có mùi thơm thoang thoảng. Những bông hoa kép có thể có từ 30 – 50 cánh/bông, khi tàn không rụng cánh lả tả như các giống đào khác mà vẫn ở nguyên trên đài hoa. Cái “oái oăm” lạ nữa là hoa mọc thành “chùm” vài bông một, nhưng nếu không nở cùng lúc mà có bông nở trước, nó sẽ nở trùm lên những nụ khác, không cho những bông kia đẹp cùng.

Đào thất thốn cánh đơn...

... có hoa màu hồng phai.
Độc đáo là vậy, nhưng đào thất thốn cực kỳ “đỏng đảnh”, kiêu kỳ. Một
mình một phách, thất thốn không khuất phục người làm vườn, cũng chẳng
chiều lòng khách thưởng lãm, nó chỉ thích nở vào khoảng Rằm tháng Giêng
khi những đào bích, đào phai, đào bạch… đã bắt đầu rữa cánh, rụng lả tả
dưới nắng xuân.
Người làng Nhật Tân kể lại, không ít người làng đã cạn kiệt tiền của, thời gian vì “dính” vào giống đào này. Phải chăng vì thế, đào thất thốn đã gần như “tuyệt chủng” tại xứ sở hoa đào nức danh đất Hà Thành.
Người làng Nhật Tân kể lại, không ít người làng đã cạn kiệt tiền của, thời gian vì “dính” vào giống đào này. Phải chăng vì thế, đào thất thốn đã gần như “tuyệt chủng” tại xứ sở hoa đào nức danh đất Hà Thành.

Giống hoa kiêu kỳ này ít khi nở cùng dịp với các loại đào khác.
Lê Hàm – “kẻ gàn” cả đời say thất thốn
Nét đẹp hiếm có và sự kiêu hãnh của đào thất thốn đã làm nản lòng nhiều người làng Nhật Tân và cũng lỗi hẹn với nhiều người say hoa. May sao, có một nghệ nhân đầu tiên và duy nhất đã thành công trong việc bắt đào thất thốn tuân phục, khai hoa nở nhụy đúng Tết nguyên đán: anh Lê Hàm – “kẻ gàn” của làng đào.

Trước 27 Tết, đào thất thốn vẫn như củi khô, chính anh Lê Hàm cũng không chắc chúng có thể trổ hoa hay không.

Hơn 20 năm lăn lộn với đào thất thốn, anh mới chinh phục được nó.
25 năm trồng đào thì hết 24 năm, Lê Hàm dồn bao nhiêu công sức, tiền của vào đào thất thốn, tìm mọi cách từ tuốt lá, chiết, ghép, tỉa cành, khoanh gốc, ủ ấm… đều vô dụng, hoặc chúng cứ trơ trơ như củi, hoặc đến Giêng mới chịu nở hoa. 24 năm, anh chỉ có duyên may chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đào thất thốn vườn nhà mình 3 lần (năm 1994, 2007 và 2009), nhưng lần nào chúng cũng trễ hẹn Nguyên đán.

27, 28 Tết, những cây thất thốn của anh mới chịu báo tin mừng.
Anh tâm sự: “Cái giống thất thốn này, biết là đã trồng từ thời các cụ, nhưng nghe nói ít ai thành công. Những người “ép” được thất thốn trổ hoa đã là xuất sắc, nhưng vẫn không thể đúng Tết như những giống đào khác. Làng Nhật Tân, ngoài tôi còn có hai người nữa còn bám trụ với giống đào này, một người thuộc thế hệ trước, hơn tôi gần chục tuổi, một người sàn sàn tuổi tôi, nhưng cũng thất bại lên thất bại xuống, trắng tay bao lần mà chưa yên. Bởi thế, chẳng có ai đi trước mà chỉ cho mình kinh nghiệm, dạy mình cách chăm sóc. Tôi chỉ còn cách học hỏi từ chính những sai lầm của người khác, biết họ đã thất bại ở đâu để tránh đi thôi”.

Những nu hoa đỏ au này có sức sống rất mãnh liệt.
Lê Hàm kể, cùng với học hỏi thất bại của những người đi trước, nghe phong thanh ở Trung Quốc và vùng cao Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn có đào thất thốn mọc tự nhiên, có những bận anh đã lên tận nơi, lùng sục từ vách đá cheo leo, hang động ẩm ướt đến vùng đất đai cằn cỗi ở đó để tìm. Và anh gặp thật! Hạnh ngộ với bông đào thất thốn nở bừng cái giá lạnh và sự khô cằn của núi đá vùng cao, giữa những khe đá, anh đã tỉ mẩn ghi chép nhiệt độ, độ ẩm, lấy mẫu đất để về phân tích, từ đó làm ra một “căn hầm bí mật” trong vườn để trồng đào thất thốn. Và sau 21 năm đổ công sức chăm bón, Tết Canh Dần 2010, những gốc thất thốn trong vườn “kẻ gàn” của làng đào bỗng cựa mình nở đúng Nguyên đán.

Kiên nhẫn đợi chờ 21 năm, Lê Hàm mới được thấy thất thốn trổ hoa.
Người
làng Nhật Tân có câu: “ba năm trồng đào không được thu hoạch là sạt
nghiệp”, Lê Hàm cũng biết vậy, nhưng sau nhiều năm thất bại, anh vẫn
không muốn buông tay. Những gốc thất thốn, anh vẫn cứ để lổng chổng
trong vườn như đám củi. Cây “lì”, người càng gan hơn. Anh trồng hoa đào
thường, trồng hoa cảnh để sống qua ngày và nuôi dưỡng đam mê. Anh cười
bảo: “Cũng may là sau ngần ấy năm, vợ tôi (một giáo viên mầm non –
PV) vẫn ủng hộ cái “gàn” của chồng, vẫn hậu thuẫn mà chẳng cằn nhằn gì
tôi cả, dù có những giai đoạn, cả nhà gần như không có đồng nào”.

Những hạt giống này 12 năm sau mới có thể cho thu hoạch.
Anh chia sẻ, không như giống đào khác, đào thất thốn chẳng những cực kỳ khó chăm, khó “ép” ra hoa mà phải bỏ ra rất nhiều thời gian. Để một gốc đào thất thốn trưởng thành có thể cho thu hoạch, anh ước tính phải mất 10 - 12 năm. Giống đào này gần như không “chung sống” với các giống khác, nên nếu muốn ghép với đào rừng hay đào ta cũng khó. Anh phải ươm cây từ hạt của chính giống thất thốn để tạo ra cây thuần chủng, mà chúng chậm lớn vô cùng, cây 1 năm tuổi chỉ cao chừng gang tay, mỗi năm sau, chúng nhích thêm được vài cm nữa.
Chỉ giao cây cho người am hiểu
Bởi cái khó, cái đỏng đảnh kiêu kỳ và cả sự đặc biệt của đào thất thốn, chẳng những chúng kén người làm cây mà kén cả người thưởng lãm. Anh Lê Hàm cho hay: “Người chơi đào thất thốn phải là người kỹ tính, cầu kỳ, hiểu biết và thực sự gửi gắm linh hồn, tình cảm vào cây, không phải cứ có tiền là chơi được. Tôi chỉ bán hoặc cho thuê với những ai “sành” chơi, tinh tế và am hiểu về giống đào này thôi, vì việc chăm sóc đào thất thốn đòi hỏi người chơi phải có kiến thức, tâm hồn cũng như kiên nhẫn.”

Đào thất thốn kén người trồng, kén cả người chơi.

Một gốc đào đã được khách "xí".

Đến 29, 30 Tết, quá trình "huấn luyện" cây hoàn tất...

... anh mới cho cây rời vườn.

Sở hữu những gốc quý hiếm...

... và bí kíp "thuần phục" đào thất thốn, nhưng Lê hàm vẫn chưa giàu.
Chậm rãi hớp ngụm nước chè, Lê Hàm thủng thẳng bảo: “Đến giờ thì
chưa, nhưng nghe bảo Trung Quốc cũng đã từng có đào thất thốn, rồi dăm
bảy năm nữa, trước sau gì người Nhật Tân cũng biết hết về bí mật của
loài hoa này. Đến lúc ấy, chắc gì tôi đã là kẻ duy nhất!” Lúc đấy
hẵng hay, còn bây giờ, Lê Hàm là kẻ độc tôn nắm giữ bí mật “thuần phục”
đào thất thốn – cái bí mật mà có lẽ anh sẽ chôn chặt trong lòng hoặc
chân truyền cho người kế nghiệp.

Anh xác định, vườn cây quý này là tài sản của tương lai.