Cuộc đời vẫn đẹp sao đã chính thức khép lại chặng đường 45 tập phim đồng hành với khán giả vào tối qua. Có lẽ đã lâu rồi, màn ảnh Việt mới có một tác phẩm đặc biệt đến thế, đặc biệt ngay chính trong những chất liệu bình dị mà nó khai thác, đặc biệt trong cách mà nó chạm đến trái tim người xem mà không cần bất cứ “thủ thuật” hay mồi câu cảm xúc nào.

BỘ PHIM CỦA NHỮNG ĐIỀU CHÂN THẬT
Cuộc đời vẫn đẹp sao bó hẹp bối cảnh trong một khu xóm trọ nghèo, với những mối quan hệ giới hạn. Một bối cảnh như thế mà đủ sức giữ chân khán giả trong 45 phút phim, đủ sức để người xem hồi hộp theo dõi, khóc, cười, đồng hành cùng những thành viên xóm trọ suốt 45 tập phim, hẳn phải có một “bí quyết” nào đặc biệt đến từ đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, vị đạo diễn luôn khiến người ta phải thốt lên, rằng không hiểu anh đã lăn lộn, trải nghiệm, tìm hiểu kỹ đến thế nào, mới có thể đưa những thước phim đời như thế, những câu thoại thật như thế lên màn ảnh.
Sức hút lớn nhất từ Cuộc đời vẫn đẹp sao, có lẽ đến từ những điều nhỏ bé, giản dị mà thật đến “nổi da gà” như thế. Sự chân thật ấy, đến từ những chi tiết nhỏ nhắn như nước da ngăm đen, rám nắng của bà Tình, như cái hàm răng vàng đến “ghê người” của Bát, hay lớn hơn, là những màn xông pha bốc vác đến “thở bằng tai” của Lưu, những giọt mồ hôi khi kéo xe của Luyến. Sự chân thật phả ra từ những câu thoại rất đời, những màn diễn xuất giống như không diễn. Chân thật có trong cả cách giải quyết tình huống, nút thắt, trong sự xuất hiện của những nhân vật làm người xem phải than phiền như Nghĩa, như Bát. Sự chân thật ập vào từ đầu phim, và kéo dài đến tận phút cuối, như cách các thành viên xóm trọ chung vui trong đám cưới Lưu - Luyến, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ nhanh nhanh chóng chóng để ra chợ làm việc, vì chủ hàng đang gọi.

Sự chân thật đến từ việc xây dựng dàn nhân vật ấn tượng trong phim. Ngay cả những nhân vật “chính diện” như Luyến, như Lưu trong phim cũng không phải không có tính xấu. Luyến vừa đủ xấu để khiến cô trở thành một cô nàng lươn lẹo, sẵn sàng “đong đưa” đàn ông để kiếm lợi cho mình. Luyến cũng vừa đủ vụ lợi, đủ “đời” như biết bao cô gái ngoài kia, khi cô suýt nữa đã định nhắm mắt đưa chân, lấy một người đàn ông lớn tuổi như Nghĩa, vì muốn phần đời còn lại của mình bớt đi cực nhọc.
Lưu cũng vừa đủ xấu, để anh có những tính toán cho riêng mình, để anh “mê gái có trí tuệ” như cách anh phát ngôn, để anh có những phút giây sống như một gã Chí Phèo, nhưng khi cần cũng sẵn sàng trở thành người hùng giải cứu thế giới.
SỰ ĐẸP ĐẼ CỦA TÌNH NGƯỜI

“Anh em bốn bể là nhà, dẫu không một mẹ vẫn là anh em” - câu cửa miệng tưởng như sáo rỗng của Điền, hóa ra lại là kim chỉ nam cho cả bộ phim. Cuộc đời vẫn đẹp sao không kể về một gia đình máu mủ ruột rà nào cả. Những thành viên trong xóm trọ chỉ là những mảnh đời chắp vá, từ bốn phương dạt về. Họ kết thành một gia đình lớn, với những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Còn gia đình nào đặc biệt hơn, khi mẹ chồng cũ trở thành mẹ đẻ, khi con dâu cũ trở thành con gái, khi mẹ chồng cũ lại chúc phúc cho con dâu cũ đến với chồng mới, “vì con xứng đáng được hạnh phúc”.
Và dẫu không máu mủ ruột rà, nhưng sự đùm bọc, yêu thương từ những con người xa lạ trong phim lại khiến người xem phải rơi nước mắt. Cái tình của những người nghèo cũng được thể hiện một cách vừa đủ tinh tế để không thành quá lố.
Cái nghèo, cái khổ của những cảnh đời trong Cuộc đời vẫn đẹp sao có đôi lúc cũng khiến họ giống như cách Nam Cao từng viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa…”.

Thế nhưng, sau cùng, thì Cuộc đời vẫn đẹp sao vẫn chọn cách để cho những con người khổ ít yêu thương những con người… khổ nhiều, để kẻ đau chân đùm bọc kẻ què quặt, như cái cách Luyến và Lưu về tận quê Điền đòi nợ, nhưng rồi thay vì đòi được nợ, lại cho Điền thêm tiền để chăm mẹ già.
Giữa cuộc đời đầy rẫy những toan tính, lọc lừa, những điều tiêu cực, thì câu chuyện tình người ấm áp trong phim như một đốm lửa nhỏ cháy âm ỉ trong trái tim người xem, để khán giả vẫn chọn đặt niềm tin vào những điều tích cực, rằng thế giới này vẫn còn rất nhiều “Thạch Sanh”, còn rất nhiều điều tốt đẹp tồn tại ngay cả trong những nghịch cảnh trớ trêu nhất.
DÙ THẾ NÀO, "CUỘC ĐỜI VẪN ĐẸP SAO"!
Những số phận bi kịch trong Cuộc đời vẫn đẹp sao nhiều khi khiến người xem phải rùng mình. Có thể nào lại có những phận đời đau khổ đến thế, như người phụ nữ dùng cả thanh xuân để trả nợ cho chồng, rồi đến một ngày phát hiện anh ta đang sống vui vầy bên người đàn bà khác? Như người đàn ông bị vợ phụ bạc, một mình nuôi con khôn lớn, rồi đến một ngày bỗng dưng hàng loạt bi kịch ập xuống đầu, đến mức chỉ còn đường đi bán thận trả nợ?

"Cuộc đời vẫn đẹp sao" đã khép lại với một niềm tin mãnh liệt, rằng dù thế nào, ngày mai trời lại sáng!
Nhưng chẳng ai biết được, cuộc đời rộng lớn ngoài kia còn có cả trăm ngàn bi kịch giống như thế, thậm chí còn đau khổ, tuyệt vọng hơn thế. Người nghèo có bi kịch của người nghèo, nhưng đến cả những người giàu, như chị Hòa trong phim, cũng có bi kịch của riêng mình. Cuộc sống là muôn vàn mảnh ghép, không phải mảnh ghép nào cũng chỉn chu hoàn hảo.
Có những người chọn cách buông bỏ trước bi kịch, giống như Bát trở thành kẻ đầu trộm đuôi cướp, lừa đảo kiếm sống vì hắn cho rằng cuộc đời mình dù sao cũng đã vứt đi. Thế nhưng, cũng có những người vật lộn để vươn lên giữa bi kịch, dù thế nào cũng nhất quyết không “bần cùng sinh đạo tặc”, giống như Lưu.
Nhìn vào những phận đời trong phim, để thấy rằng đâu đó giữa thế gian này, ta vẫn là một người may mắn. Và ngày mai trời lại sáng, sau hàng loạt buồn đau, biến cố, thì cái kết viên mãn cuối phim giống như một lời động viên gửi tới khán giả, rằng “thời gian vẫn trôi, buồn đau sẽ qua, tình yêu sẽ quay lại…”, và dù thế nào cũng hãy “hiên ngang lên sống cuộc đời của ta”. Dù thế nào, cuộc đời vẫn đẹp sao!