Quang Trường có thể kể câu chuyện của những ngày đầu tiên vào nghề được không?

Cũng được hơn ba năm rồi. Bắt đầu từ khi Trường là sinh viên năm nhất đại học, có nhận cung cấp 10 – 15 người cho sự kiện Lễ hội hoa anh đào. Sau sự kiện đó, Trường có được làm quen, giao lưu với rất nhiều bạn bè mới và được giới thiệu cho công việc bê tráp. Trường thấy công việc này khá hay nên để ý tìm hiểu. Sau khoảng 2, 3 tháng đi làm, Trường nhận ra điểm quan trọng trong nghề này là yếu tố nhân sự. Bởi thế, Trường dần dần gây dựng và quản lý các đội bê tráp.

Ba năm, nghĩa là Trường đã bắt đầu công việc quản lý các đội bê đỡ tráp từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất trong khi nghề này đòi hỏi người dày tuổi?

img
Đội ngũ "bán duyên" mà Trường dày công xây dựng.

Thời gian đầu có thể nói là khó khăn trăm bề. Ít tuổi nên mỗi khi đi tiếp thị tại các cửa hàng dịch vụ cưới hỏi trọn gói thì khó để lại ấn tượng. Và thời điểm Trường bắt đầu vào nghề thì thị trường đang có sự cạnh tranh rất lớn. Nghề này không còn là một nghề mới mẻ nữa. Có rất nhiều đội bê đỡ tráp, lực lượng các đội lại khá đồng đều, tương quan theo kiểu một mười một chín.

Đấy là yếu tố khách quan, về mặt chủ quan cũng rất khó khăn. Trong đội của mình có rất nhiều anh, chị lớn tuổi hơn. Việc quản lý họ cần sự khéo léo vô cùng. Nếu họ làm sai, mình cũng chỉ có thể nhắc nhở nhẹ nhàng. Dù sao, tuổi đời mình cũng kém họ, không thể chỉ vì là người quản lý, là đội trưởng mà có thể “nói to” được.

Giờ đây, đã thêm cả về tuổi đời và tuổi nghề, với những khó khăn ngày xưa thì giờ chắc Trường đã bản lĩnh hơn?

img
Quang Trường.

Dĩ nhiên, những khó khăn vì lý do ít tuổi đã được khắc phục. Nhưng nghề nào cũng vậy, đều có những khó khăn đặc thù riêng. Theo Trường, với nghề này, khó khăn lớn nhất là việc cân đối giữa có việc và có người. Nếu nhận quá nhiều việc mà không sắp xếp đủ người, hoặc người không đúng theo “tiêu chuẩn” mà mình mong muốn thì cũng không ổn. Hoặc nếu tổ chức được rất nhiều đội nhưng không nhận được việc sẽ khiến các bạn nản, bỏ việc.

Vậy “tiêu chuẩn” nhận người có Trường có cao và khắt khe lắm không?

Nói là “tiêu chuẩn” cho vui thôi, chứ không khắt khe vậy đâu. Đi làm gì cũng vậy, cũng cần những người phù hợp. Bản thân nghề này cần các bạn thực sự ngoan và nghiêm túc. “Ngoan” nghĩa là đến nhà gia chủ, họ có nhờ các việc liên quan đến mình (như thay đổi vị trí mâm tráp, nhờ tiếp nước mời khách…) thì mình phải làm và làm nhiệt tình. Còn “nghiêm túc” nghĩa là phải chuẩn giờ, đúng hẹn. Nghề này đặc biệt coi trọng giờ giấc mà.

img

Nhưng cũng có những trường hợp ngoài dự kiến, Trường có cách quản lý chống rủi ro như thế nào?

Về nhân sự thì rất lo là đằng khác. Họ có thể nghiêm túc và cố gắng đúng giờ, nhưng đi trên đường không thể đảm bảo rằng không có sự cố. Ví dụ như xe bus bị hỏng ngang chừng phải chờ đổi xe, ví dụ xe máy thủng săm hay bị công an dừng hỏi giấy tờ… Bởi vậy mà Trường luôn phải tìm cách để có thể hạn chế tối thiểu những sự cố ấy.

Thường thì đội bê tráp của Trường được “tuyển” từ nhiều trường đại học trên khắp địa bàn Hà Nội. Như vậy mình sẽ phân thành các khu như Hoàng Mai (gồm các bạn là sinh viên các trường Bách Khoa, Xây dựng, Kinh tế Quốc dân…), Cầu Giấy (gồm Giao thông, Báo chí, Sư phạm…)… Như vậy sẽ hạn chế được các sự cố và các bạn đi làm cũng tiện lợi dễ dàng hơn.

Vậy giờ “lực lượng nhân viên” của Trường chắc cũng hòm hòm rồi nhỉ?

Cũng không nhiều lắm đâu. Trường có khoảng từ 8 – 10 đội nam và 8 – 10 đội nữ giao cho các đội trưởng quản lý. Khi nào nhận việc hầu như chỉ cần báo lại cho các đội trưởng là ổn. Ngoài ra tự bản thân Trường trực tiếp quản lý 2 đội nam, 2 đội nữ để đề phòng các tình huống xấu xảy ra. Nếu có một đội nào đó có người không đáp ứng được yêu cầu hoặc không đến kịp thì 4 đội do Trường quản lý sẽ đi bổ sung ngay. Đội này thường là chọn những bạn nhiệt tình nhất, có phương tiện di chuyển nhanh chóng.

img

Công việc có vẻ được tính toán và sắp xếp chu đáo, chuyên nghiệp. Hình như nghề này “làm ăn” rất ổn đúng không Trường?

Vào mùa cưới thì cũng khá bận bịu. Giờ còn đi học nên thực ra Trường cũng không quá mở rộng quy mô sợ mình làm không xuể. Mỗi tháng vào mùa cưới thường bọn mình phục vụ khoảng 80 đến 100 đám cưới. Bây giờ hầu hết các gia đình ở Hà Nội đều lựa chọn dịch vụ cưới hỏi trọn gói. Thực ra, nó không hề tốn kém hơn so với việc nhờ người làm giúp. Bản thân việc nhờ người giúp cũng có rất nhiều hạn chế, ví như chuyện khó tìm người hay sẽ rất ngại nhờ họ tiếp nước, một đội thì không đồng đều về chiều cao, hình dáng. Việc thuê một bộ áo dài + khăn xếp cho người đỡ tráp cũng mất 70.000 đồng rồi, lại thêm tiền lì xì nữa. Khi đi thuê dịch vụ cưới hỏi trọn gói, tiền lì xì là tùy tâm của gia chủ, nhưng nếu gia đình đi nhờ, tiền lì xì mà ít sẽ hơi ngại. Đó là lý do họ lựa chọn dịch vụ này ngày càng nhiều hơn.

Còn về vấn đề thu nhập, hiện nay nó cũng đủ cho việc sinh hoạt học hành của Trường và có tích lũy cho dự định tương lai.

 “Tích lũy cho dự định tương lai”, nghĩa là Trường không định gắn bó lâu dài với nghề này sao?

Thực ra, Trường rất yêu thích công việc này, thích sự vui vẻ ở các đám cưới cũng như việc đi làm rất được gia chủ tôn trọng. Nếu không thích sao gắn bó được lâu đến thế? Nhưng nó không thể là sự nghiệp cả đời được. Mục tiêu trước mắt của Trường là tốt nghiệp xong đại học, sau đó tiếp tục làm và phát triển nghề thêm vài năm nữa. Trong thời gian đó vẫn nghiên cứu và làm các công việc khác. Bởi lẽ cái nghề này, bận thì rất bận mà nhàn thì rất nhàn. Một tháng có khoảng 5 ngày đẹp nhất, sẽ rất nhiều đám cưới, ngày hôm đó sắp xếp rất vất vả. Còn sau đó lại khá nhàn, bởi vậy Trường có thể làm thêm việc khác và định hướng phát triển sự nghiệp tương lai cho mình.

Vậy thì chúc Trường sẽ thành công với những dự định của mình. Cám ơn bạn đã chia sẻ với chúng tôi.