Chị Thanh Trà hiện đang làm hành chính ở khách sạn tại Hà Nội, nhưng chị được biết đến nhiều hơn với công việc tay trái: chủ bếp homemade Bếp bà Chà. Chị bật mí, đã có một thời chị rất ghét nấu ăn, mà cái sự yêu hay ghét với ẩm thực đều bắt nguồn từ mẹ: “Mẹ tôi là một người phụ nữ khéo léo và giỏi thu vén, từ việc nuôi nấng chu toàn cho một đàn con (khá đông) tới tề gia nội trợ, giao tế trong ngoài. Trong những năm gia đình gặp khó khăn về kinh tế, bà đã mở hàng ăn chỉ hoàn toàn bằng kinh nghiệm bản thân và mày mò học hỏi, tìm hiểu bí quyết nấu nướng của thiên hạ.
Tuổi thiếu niên của tôi gắn liền với những sáng thèm ngủ díu mắt phải dậy giúp mẹ, rồi tiếp xúc quá nhiều với dầu mỡ, mắm muối, thịt thà, chứng kiến sự vất vả, cực nhọc của nghề làm hàng ăn… Những điều ấy thực sự đã ám ảnh tôi nhiều năm, đến mức từ chỗ thích thú, tôi thấy ghét nấu nướng!”

Từ chỗ bị... ám ảnh và không hào hứng với chuyện bếp núc...
“Nói vậy chứ sau này, nhà có nhiều trẻ con, gia đình hay tụ tập, rồi có người yêu khó tính chuyện ăn uống, tôi đã rèn cho mình một tay nghề “con con” khá hữu dụng. Việc duy trì bán hàng ăn trong nhiều năm của mẹ cũng đã cho tôi những kinh nghiệm vô giá để áp dụng vào việc nội trợ sau này, gieo vào tôi sự thích thú, đam mê khi mày mò nấu nướng, học món mới, cũng như đặt cho mình một thách thức: làm được như – hoặc hơn – mẹ” – chị chia sẻ thêm.

... chị Thanh Trà đã khởi xướng bếp kinh doanh thực phẩm gia đình.
Thời gian rảnh rỗi, chị thường vào khu bếp quan sát các đầu bếp làm việc và xin phụ việc lặt vặt. Đó cũng là khi chị bị choáng ngợp với sự sáng tạo, vinh quang và sự vất vả của nghề làm bếp chuyên nghiệp.

Mẹ và chồng là những người truyền cảm hứng ẩm thực cho chị.

"Nhờ có thực khách khó tính như ông xã mà tôi tự tin nấu ăn cho các gia đình khác" - chị chia sẻ.
Vừa khó tính, vừa dễ dãi hơn từ khi kinh doanh
Nghe Thanh Trà kể chuyện kinh doanh mà cứ như đùa: “Một ngày đẹp trời, tôi lên Facebook rao: nếu được 50 likes sẽ mở bếp kinh doanh, ai ngờ được hơn số lượng ấy, thế là tôi mở thôi!” Chị thừa nhận: “Đó là một quyết định rất nhanh chóng và có vẻ ngẫu hứng, nhưng không hề mơ hồ, vì tôi lượng được việc mình làm, chọn đi một con đường vừa với khả năng, và không bị áp lực lắm về chuyện “đâm lao phải theo lao”.
Tôi nghĩ cùn, mình không có cửa hàng, không đầu tư ban đầu nhiều nên nếu thất bại hoặc quá sức thì chỉ cần tuyên bố… sập tiệm trên Facebook là xong! (Cười) Tôi chọn phạm vi phục vụ gần gũi nhất là những mâm cơm gia đình, nên thực đơn của bếp hồi đầu rất đơn giản, toàn các món ăn dễ chế biến và để được lâu như các loại ruốc, giò xào, nem tai…

Mỗi ngày, lịch làm việc của chị bắt đầu với việc đi chợ lựa chọn nguyên liệu từ sáng sớm, chuẩn bị một số món và giao việc cho các đầu bếp. Chị lại "công tác" ở bếp cho đến khi hết các đơn hàng, khoảng 19 giờ - 19 giờ 30 và chuẩn bị các món nguội cho đến tối muộn.
Thanh Trà cho hay, từ khi mở bếp, chị trở nên khó tính hơn trong chuyện nấu nướng. “Nấu ăn là một việc khó làm cho thật tốt, nếu không đặt vào đó sự đam mê và nhiệt huyết của mình. Món ăn ra khỏi bếp là kết thúc phần việc của người nấu, nhưng lại là sự bắt đầu trong bữa ăn của khách hàng. Tôi và các nhân viên luôn nhắc không cho phép mình thỏa hiệp với những sự cố trong chế biến. Một trong những “bí quyết” đầu tiên và lâu dài của bếp là tuyệt giao với mì chính, dù thực sự rất vất vả để tìm cách trung hòa vị của món ăn cho tròn trịa”.
Chị cho biết, sự khó tính và cầu kỳ của mình chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ và ông xã – những người biết nấu nướng và sành ăn. Đôi khi, cái sự khó tính ấy cũng khiến chị gặp rắc rối, ví dụ như thấy nguyên liệu không đủ, chị dừng cho khách đặt hàng, bị khách mắng là “kiêu”.

Bảng order thực đơn ít khi trống trải.

Thanh Trà tiết lộ, có những lúc chị mải kinh doanh mà... dễ dãi với bữa ăn gia đình mình.
Được sếp tạo điều kiện để mở rộng con mắt ẩm thực
Chị chia sẻ, mình thường “trốn việc” để tự thực hiện những chuyến chu du ẩm thực. “Ngày trước, khi chưa mở bếp và còn nhiều thời gian để đi xa, tôi vẫn có thói quen dậy rất sớm và ra chợ một mình, đi lang thang ngó nghiêng và mua bán nhiều giờ. Với tôi, cái chợ là bộ mặt sinh động nhất, gần nhất về bức tranh đời sống thực và khá toàn diện của một vùng đất, nên đi đến đâu tôi cũng khám phá chợ và mang về những đặc sản tiêu biểu, thử tập nấu ở nhà. Bây giờ, nếu có điều kiện đi xa, tôi lại càng dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, nếm thử các nguyên liệu lạ và khó tìm để sáng tạo ra món mới cũng như đem về cho khách hàng, để họ không phải đi xa mà vẫn có thể thưởng thức những món hay món lạ từ mọi miền đất nước” – Thanh Trà thủ thỉ.

... đưa về bếp để nhiều người được thưởng thức.

Chụp ảnh và trò chuyện về các món ăn cũng là niềm yêu thích của bà chủ bếp.

"Làm bếp là một nghề nhiều niềm vui và cũng nhiều vất vả!"
Những điều nho nhỏ như thế làm tôi thấy vui vui và cũng là thử thách để tiếp tục phát triển và đổi mới. Bếp là một nghề khá nhọc, nhưng khi đã chọn, tôi sẽ theo hết sức, dù mệt mỏi hay đôi khi muốn buông xuôi”.