
Bệnh nhân bị méo mặt vì lạnh.
Theo BS Tâm, trong số những bệnh nhân nhập viện thì nhóm trẻ em có xu hướng gia tăng nhiều nhất và thường gặp phải chứng liệt dây thần kinh số 7. Nguyên nhân là những ngày qua, nền nhiệt ở miền Bắc giảm mạnh kèm theo gió lạnh và do người bệnh không có kiến thức phòng tránh bệnh.
BS Tâm cho hay, khi thời tiết lạnh sẽ làm tổn thương và gây phù nề dẫn đến dây thần kinh số 7 bị chèn ép khi chạy trong xương đá (xương ở sau mang tai) gây mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, từ đó gây nên hiện tượng liệt.
"Đa số người bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đều có triệu chứng: méo mồm, liệt nửa mặt, mắt không nhắm được, ăn uống rơi vãi, miệng không huýt sáo, thổi lửa được… Một số trường hợp nhẹ còn không biết mình mắc bệnh, chỉ khi cười và nói chuyện mới phát hiện mình bị méo mồm và đến viện khám", BS Tâm thông tin.

Số lượng trẻ nhập viện nhiều hơn người lớn
Ths.BS Dương Văn Tâm hướng dẫn người dân, khi xuất hiện các dấu hiệu trên, người bệnh không cần thiết phải chụp cắt lớp cho người bệnh vì sẽ gây tốn kém.
"Khi người bệnh được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, về tây y sẽ được điều trị bằng cách dùng kháng sinh để chống viêm và phù nề. Còn đông y sẽ kết hợp các phương pháp: điện châm, thủy châm vào huyệt đạo, cấy chỉ cagut vào huyệt, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại nhằm làm ôn ấm các huyệt ở mặt.
Cùng với các phương pháp trên, người bệnh có thể kết hợp tự tập cơ mặt của mình bằng cách: tập há mồm, nhai kẹo cao su, giữ ấm cơ thể…", BS Tâm cho hay.

Khi phát hiện có biểu hiện méo mặt, người bệnh cần làm điện cơ để thăm dò sự dẫn truyền để đánh giá độ liệt, từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp.

BS khuyến cáo người dân luôn phải giữ ấm cho mình
Một số lưu ý với người bệnh khi ra thời tiết lạnh:
- Không ra trời lạnh một cách đột ngột.
- Không đi tập thể dục quá sớm.
- Không tắm quá muộn và luôn phải giữ ấm cơ thể khi ra ngoài.
- Luôn giữ nhiệt độ ấm trong ngôi nhà của mình và khi đi ngủ.