Trong ngày Táo Quân (23/12 Âm Lịch), dọc sông Tô Lịch từ Quan Hoa (Cầu Giấy) đến Khương Đình (Thanh Xuân) hàng trăm gia đình lựa chọn làm nơi thả cá chép đỏ. Thế nhưng chuyện nực cười là tại đây luôn có những "đội quân" túc trực để vớt cá chép, thậm chí người thả và người vớt cá chỉ đứng cách nhau chưa đầy 1 mét.
Trao đổi với chúng tôi, chị Chu Thị Hương (Quan Hoa - Cầu Giấy) cho hay: "Thực ra thả cá ở đâu cũng được miễn là nơi đó là ao hồ hoặc sông ngòi". Trong khi đó một người dân lại cho biết do không có chỗ thả nên đành thả đại xuống sông Tô Lịch mặc dù ai cũng biết đây là con sông vô cùng ô nhiễm và hiếm có sinh vật sống sót tại đây được.
Có mặt tại cầu Khương Đình (Thanh Xuân) lúc 12 giờ trưa lượng người kéo đến thả tro cũng như cá chép đỏ khá đông đúc. Tuy nhiên cũng tại khu vực này có "đội quân săn cá chép" luôn túc trực, họ ngang nhiên dùng vợt để bắt cá. Hình ảnh xấu xí khiến những người chứng kiến không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
Tại cầu Khương Đình người dân bước xuống thềm thả cá nhưng ngồi bên cạnh là nam thanh niên cầm vợt sẵn sàng... vớt.
Biết những thanh niên này sẽ vớt những con cá chép đỏ lên nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi thả xuống.
Vì nước sông Tô Lịch ô nhiễm nên tất cả cá thả xuống sẽ nổi lên và bị "đội quân săn cá chép" bắt dễ dàng.
Hơn 30 phút dùng vợt nhóm thanh niên đã vớt được hàng chục con cá.
Nhiều người quan sát thấy "đội quân săn cá chép" dưới mặt sông đành di chuyển lên cầu thả xuống.
Hay di chuyển sang bờ đối diện để thả với hi vọng những con cá chép sẽ không rơi vào lưới của những thanh niên kia.
Tại cầu Trung Hòa người dân cũng lựa chọn việc đứng giữa cầu đổ cá chép xuống sông.
Nhiều thiếu nữ cũng thả cá ngay miệng cống thoát nước ô nhiễm, bốc mùi thôi thối nồng nặc.
Nhưng họ vẫn hi vọng cá chép được thả xuống sẽ... sống khỏe.
Dòng sông đặc quánh bùn và ô nhiễm.