Thái Mỹ Phương – hay còn được biết đến với nickname Tamypu là một cái tên quen thuộc với giới trẻ Việt, đặc biệt là những ai có chút tâm hồn nghệ thuật. Nhắc đến Tamypu là nhắc đến một loạt những bìa sách nổi bật, những bức tranh minh hoạ xinh xắn, dễ thương cùng cách sống, cách làm việc, cách nói chuyện và cả cách yêu không lẫn vào đâu được.
Giữa lúc sự nghiệp bắt đầu có nhiều cột mốc nổi bật và tên tuổi dần được biết đến nhiều hơn, Tamypu gây bất ngờ khi quyết định tạm dừng tất cả để lên đường đi du học. 30 tuổi, chuyển đến một đất nước khác để sống, ngày ngày ôm bút thước bảng vẽ tới trường và bắt đầu lại tất cả mọi thứ - nghe có vẻ đơn giản, thậm chí đôi khi còn có phần "tếu táo" và "tỉnh rụi" qua lời kể của Tamypu. Nhưng có được nghe chính người hoạ sĩ này kể lại thì mới thấy được hành trình đó không hề đơn giản chút nào.

Gặp Tamypu giữa lòng Sài Gòn vào một buổi trưa nóng đổ lửa, cảm giác đầu tiên về nhân vật này chính là dễ chịu. Tamypu ngoài đời tựa như một làn gió mát. Từ nụ cười hiền, vẻ ngoài "lành tính" cho đến giọng nói, cách trò chuyện và cả cái cách Tamypu say mê vẽ, say mê pha màu rồi hí hoáy đều khiến người đối diện cảm thấy rất thoải mái và bị thu hút.
(Clip: Đoàn Ngọc Thi)

Ở tuổi 30, Tamypu định nghĩa thế nào về thành công? Bản thân chị có nghĩ mình là một người thành công không?
Nhiều người thường đem tiền bạc, vật chất hay những thứ phù du ra để định mức cho sự thành công, hạnh phúc. Mọi người có thể không thật sự hiểu thế nào là cảm giác thành công, thế nào là hạnh phúc.

Cái quan trọng là mỗi ngày mình làm gì, mình sống như thế nào, mình có cảm thấy hài lòng với nó hay không, mình đã làm tròn sứ mệnh của mình hay chưa. Ví dụ như một người vợ, người mẹ sẽ được xem là thành công khi họ có một mái ấm hạnh phúc, gia đình vui vẻ. Còn người chọn cách sống độc thân sẽ có những chuẩn mực khác. Thành công là thứ không thể so sánh hay cân đong đo đếm được.
Với người nước ngoài thì 30 tuổi đi học là bình thường nhưng ở Việt Nam thì lại là khó hiểu, kì quặc. Trước khi đưa ra quyết định bỏ hết tất cả để đi du học chị có phân vân nhiều không?
Có chứ! Từ bỏ chưa bao giờ là một việc dễ dàng, đặc biệt là khi trước đó mình đã có kha khá thứ ở Việt Nam như vậy. Nhưng Tamypu hiểu rằng trong suốt 9 năm qua, thứ mình có mới chỉ là kinh nghiệm, chứ không phải kiến thức chuyên môn. Bản thân mình vẫn cảm thấy mơ hồ và chưa thật sự tự tin.
Mình xác định rõ mục đích của việc đi học là để gom nhặt những kiến thức chuyên môn mà mình còn thiếu, đi học để tự tin hơn nên sau này mình cảm thấy rất xứng đáng. 30 tuổi tính ra vẫn chưa là gì đâu! Vì trong lớp mình bên Anh có cả những người đã 50, 70 tuổi nữa cơ! Họ đi học với tâm lý rằng cả đời họ đã hi sinh cho gia đình rồi, nên bây giờ sẽ là lúc để họ theo đuổi những thứ mà họ thích, họ đam mê mà chưa làm được. Cho nên đừng quan tâm quá đến chuyện tuổi tác. Không bao giờ là quá muộn để học cả!
Hãy nói về những tháng ngày đầu tiên của chị ở Anh?
Tuần đầu tiên mình chỉ muốn bay về Việt Nam ngay và luôn! Không biết làm gì ngoài việc ngồi trong phòng khóc cả ngày. Khi đó quả thật mình sợ lắm. Sợ khi nghĩ đến rào cản ngôn ngữ, sợ khi nghĩ đến tài chính, sợ khi nghĩ đến tương lai.
Nhưng rồi khi nhớ đến gia đình và trách nhiệm với thời gian với bản thân thì mình phải xốc lại tinh thần và cố gắng nhiều hơn. Đặc biệt là khi nghĩ đến đất nước, vì khi đó Tamypu là sinh viên Việt Nam đầu tiên học tại khoa minh họa của trường. Cái cảm giác khi mình đứng giữa bạn bè đến từ các quốc gia khác nó kì lạ lắm. Có thể mình không phải giỏi nhất lớp, nhưng ít nhất mình cũng phải để lại được một điều gì đó về du học sinh Việt Nam, và rằng mình hoàn toàn xứng đáng có mặt ở đây.
Việc đến một vùng đất mới thường khiến người ta nhìn ra được những khía cạnh khác của con người. Với chị thì đó là gì?
Cảm thấy như được sinh ra một lần nữa. Hiểu được rằng bản thân mình không hoàn hảo, học được cách tôn trọng con người thật và những khuyết điểm của mình. Nhìn thấy được vẻ đẹp ngay cả trong những lỗi lầm. Cảm thấy rất tự hào và như được hồi sinh sau khi trải qua quá nhiều chuyện như vậy.


Điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với chị trong những tháng ngày xa nhà là gì?
Trong một năm vừa rồi mình đã có thêm nhiều thứ. Đó không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm, sự tự tin mà đó còn là cảm giác bình an trong lòng và học được cách tha thứ nữa.
Mọi công việc trên đời đều có những mặt trái của nó mà người khác ít biết. Theo chị thì điều này có đúng với công việc của một họa sĩ minh họa hay không?
Mọi người thường nhìn vào và nghĩ rằng Tamypu đang làm một công việc rất nhàn nhã mà lại có thu nhập tốt. Nhưng họ không biết rằng để có thể theo đuổi được công việc này, mình phải làm việc cất lực, thậm chí làm cùng lúc nhiều công việc khác nhau để có thể trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ. Mình đã phải nhẫn nhịn, kiên trì và cố gắng rất nhiều để có được ngày hôm nay.
Hằng ngày Tamypu nhận được inbox của các bạn trẻ nói rằng họ thích vẽ và muốn ra sách. Nhưng khi mình chia sẻ kinh nghiệm thì các bạn lại than là ôi sao khó vậy. Xuất bản một cuốn sách do chính mình thực hiện không đơn giản như các bạn nghĩ. Có lẽ đã đến lúc các bạn cần có cái nhìn toàn diện hơn về công việc này rồi!
Nhìn lại tuổi trẻ của mình, điều gì khiến chị cảm thấy tự hào nhất?
Sau nhiều thứ hay ho, hấp dẫn và các cơ hội lớn thì cuối cùng mình vẫn chọn công việc làm sách. Có thể dùng cả tranh lẫn chữ để kể những câu chuyện thú vị - với mình đó vừa là thử thách vừa là một thứ gì đó rất tuyệt vời.
Tự nhận bản thân mình là một người cầu toàn, vậy chị có bao giờ gặp trường hợp bị "khớp" khi phải làm việc với những người còn cầu toàn hơn cả mình hay không?
Khi làm việc trong nước, mình quan sát tốc độ với năng suất mọi người có thể cao nhưng hiệu quả không được như mong đợi. Trong khi đó lúc đi du học và làm việc trực tiếp trong môi trường quốc tế, mình nhận ra cầu toàn thật ra chỉ là một trong những đức tính cần có chứ không phải là tất cả.

Trong khi mình cứ lao vào hùng hục làm việc cả ngày lẫn đêm thì những người bạn nước ngoài có thể bỏ ra cả ngày trời chỉ để xác định làm cách nào để giải quyết vấn đề nhanh nhất, hiệu quả nhất, đi đường nào tiện nhất hoặc kết nối như thế nào thì hiệu quả nhất. "Work smart, not work hard."


Có rất nhiều họa sĩ và những bạn khác có phong cách na ná Tamypu, chị có cảm thấy khó chịu về việc này không? Và theo chị thì đâu là ranh giới giữa học tập và bắt chước phong cách?
Thường thì minh họa là chú trọng làm rõ ràng vấn đề, còn họa sỹ thì ngoài tạo ra & thể hiện vấn đề thì còn phải định hình phong cách. Vậy nên việc cần ưu tiên đầu tiên là làm rõ vấn đề để phục vụ nội dung.

Nhiều bạn cứ mải mê thể hiện phong cách, cái tôi riêng mà đánh mất đi những cơ hội khác trong việc phát triển ý tưởng, luyện tập tư duy, cải thiện kỹ năng. Khi mình vẽ theo một kiểu khác thì đó cũng là cách để khám phá những khía cạnh, những năng lực khác của bản thân.
Ranh giới giữa "được truyền cảm hứng" và "bắt chước" không chỉ nằm ở lòng tự trọng mà còn là sự kiểm soát của mỗi người. Khi bạn vẽ theo hoặc được truyền cảm hứng bởi ai đó, nếu chỉ dừng lại ở mục đích học tập thì bạn sẽ có được tư duy phân tích được những điểm hay của người ta và rút kinh nghiệm cho chính mình. Nó khác với việc một số bạn mặc định là mình có quyền bắt chước theo luôn.

Đã từng có ai nhận xét rằng thế giới của Tamypu sao mà nhẹ nhàng đến thế chưa? Đó là bản năng, là tính cách có sẵn trong con người chị hay là thứ đã được chui rèn qua năm tháng?
Đó là mục đích của Tamypu. Vì mình cảm thấy cuộc sống vốn đã quá mệt mỏi rồi nên mình muốn những tác phẩm của mình có thể tạo nên sự an yên cho người khác.


Trong bộ phim The Intern, nhân vật nữ chính đã suýt phải đánh đổi đam mê lớn nhất của mình để giữ lấy hạnh phúc gia đình. Nếu bản thân Tamypu bị rơi vào trường hợp phải lựa chọn như vậy thì chị sẽ làm thế nào?
Có những thời điểm mà mình chỉ được chọn 1 trong 2. Nếu có cả 2 thì cuộc đời quá hoàn hảo. Mà đã hoàn hảo rồi thì sao ta còn học được điều gì nữa? Cho nên phải có đánh đổi, phải có mất mát thì mới trưởng thành được.

Những lúc cô đơn, buồn phiền và cảm thấy mất mát chị đã làm thế nào để vượt qua?
Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ là mình mất người đó. Nhưng mình thì lại nghĩ "à, ít nhất trong một khoảng thời gian nào đó, mình cũng đã từng có người ấy trong cuộc đời, cùng nhau xây dựng một điều gì đó." Nó vẫn đỡ hơn rất nhiều so với việc không gặp được nhau trong đời.
Sau nhiều chuyện thì mình nhận ra yếu đuối cũng là một kiểu mạnh mẽ. Vì họ dám yếu đuối, và họ dám cho người khác biết họ đang buồn. Đó cũng là một sự dũng cảm và tôn trọng cảm xúc của chính mình. Những người gồng mình thật ra vẫn là người yếu đuối vì từ sâu bên trong họ vẫn sợ bị người khác đánh giá, sợ phải bộc lộ cảm xúc thật của mình. Vậy nên nếu cảm thấy cô đơn, buồn phiền thì hãy cứ thể hiện ra đi. Càng gắng gượng bao nhiêu thì càng tự chuốc lấy mệt mỏi. Cuộc sống này quá ngắn ngủi để chúng ta phải sống như thế!
Cảm ơn chị Tamypu rất nhiều về buổi trò chuyện này!










