Trong suốt 18 năm hành nghề, chuyên gia tâm lý Lưu Ái Dân (Trung Quốc) đã giúp hàng nghìn học sinh thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Một trong những trường hợp đáng nhớ nhất của ông là khi một người mẹ tìm đến ông để cầu cứu vì con trai thường xuyên thi rớt tất cả các môn.
Điều bất ngờ là ông không vội tìm hiểu nguyên nhân bạn học kém, cũng không dạy phương pháp học. Điều đầu tiên ông làm là khẳng định giá trị của cậu bé.
“Con biết không, thực ra con có rất nhiều điểm mạnh trong học tập”.
Thấy cậu bé ngơ ngác, ông bắt đầu hỏi liên tiếp.
“Con nghe hiểu môn Vật lý không? Hóa học thì sao? Còn tiếng Anh?”.
“Không ạ, con không hiểu gì hết”, cậu bé cúi đầu trả lời.
“Vậy con đã từng thi đỗ môn nào chưa?”.
“Chưa ạ”, cậu lại cúi đầu buồn bã.
“Có ai từng chế giễu con không?”.
“Nhiều lắm ạ, mẹ con, thầy cô, bạn bè… ai cũng từng chê bai con”, cậu bé tỏ vẻ nản chí.
Lúc này, Lưu Ái Dân đổi giọng, nghiêm túc nói.
“Con không hiểu bất cứ môn nào, nhưng ngày nào cũng ngồi trong lớp học. Sự kiên trì đó cho thấy con có ý chí phi thường”.
“Con thi trượt liên tục, nhưng vẫn tiếp tục thi. Đó là khả năng chịu đựng thất bại cực kỳ mạnh mẽ”.
“Con bị người khác chế giễu suốt thời gian dài nhưng vẫn chào thầy cô, vẫn cư xử lịch sự. Điều đó cho thấy con có tấm lòng rộng lượng”.
“Con biết không, trong đời người, ba năng lực quan trọng nhất chính là ý chí kiên cường, khả năng chống chọi thất bại và tấm lòng bao dung. Con đều có cả ba rồi, vậy thì vài lần thất bại có là gì đâu? Con chắc chắn sẽ thành công”.
Sau những lời nói ấy, ánh mắt cậu bé bừng sáng, trên khuôn mặt hiện lên sự tự tin lần đầu tiên sau nhiều năm.

Kết quả học tập của cậu học trò thay đổi hoàn toàn 180 độ sau khi gặp chuyên gia tâm lý (Ảnh minh hoạ).
Khi họ gặp lại, người mẹ vội vàng cảm ơn ông, không khỏi thắc mắc.
“Sao thầy chỉ nói chuyện với con một lần, mà nó đã tự tin lên thấy rõ, điểm số cũng từ từ cải thiện. Thầy rốt cuộc dùng cách gì vậy?”.
Lưu Ái Dân mới bật mí, thực ra ông không dùng phương pháp nào đặc biệt, chỉ là thực hiện một lần “tẩy não” cho cậu bé.
“Tẩy não” ở đây là gì?
Nói một cách đơn giản, đó là áp dụng nguyên lý “ngôn ngữ có thể thay đổi bộ não” của giáo sư khoa học thần kinh Hồng Lan, thông qua cách dán nhãn tích cực cho trẻ.
Giáo sư Hồng Lan từng nghiên cứu và phát hiện rằng não bộ con người sẽ không ngừng điều chỉnh mạng lưới thần kinh theo nhu cầu từ bên ngoài.
Khi cha mẹ liên tục và kiên định nói với con rằng: con là người chăm chỉ, có năng lực, có kỷ luật, có sự tập trung… thì não bộ của trẻ sẽ tự động tiếp nhận, dần dần hình thành hành vi để chứng minh điều đó, từ đó phát triển mạnh hơn về trí tuệ và thành tích học tập.
Trong tâm lý học từng có một thí nghiệm nổi tiếng gọi là “thí nghiệm lời tiên tri có thẩm quyền”.
Giáo sư tâm lý học Rosenthal đến một trường cấp hai bình thường, chọn ngẫu nhiên 18 cái tên và nghiêm túc thông báo với giáo viên rằng:
“18 học sinh này đều là những người có tiềm năng phát triển vượt trội, được chọn lọc qua phương pháp khoa học”.
Tám tháng sau, ông quay lại kiểm tra và phát hiện: Tất cả 18 học sinh đó đều có sự tiến bộ rõ rệt về thành tích, thái độ học tập tích cực hơn, tính cách trở nên cởi mở và tự tin hơn.
Lý do nào cho sự thay đổi này? Câu trả lời chỉ đơn giản là vì các em tin rằng mình “có tương lai tươi sáng”, nên đã nỗ lực biến điều đó thành sự thật. Đó chính là sức mạnh của phương pháp “tẩy não”.
Vì vậy, nếu muốn con trở nên tốt hơn, cha mẹ phải học cách “tẩy não” đúng cách.
Ngôn ngữ của cha mẹ chính là lời tiên tri về tương lai của con.
Nghiên cứu khoa học thần kinh chỉ ra rằng từ 0 đến 12 tuổi là giai đoạn vàng, khi não bộ có khả năng thích nghi và thay đổi mạnh mẽ nhất.
Việc kích thích lặp lại bằng ngôn ngữ tích cực sẽ hình thành đường dẫn thần kinh vững chắc trong não bộ trẻ.
Nói cách khác, nếu cha mẹ “tẩy não” con càng sớm, hiệu quả càng rõ.

Ngôn ngữ của cha mẹ chính là lời tiên tri về tương lai của con (Ảnh minh hoạ).
3 câu nói để “tẩy não” đúng cách khi nuôi dạy con cái?
Dưới đây là ba công thức vàng giúp cha mẹ nuôi dưỡng con giỏi.
Công thức thứ nhất: Mô tả cụ thể, dựa trên sự thật
Một cô bé tập nhảy dây, mấy ngày liền không nhảy được một lần nào. Người bố sốt ruột, cứ đứng cạnh chỉ trích: “Tay sai rồi, phải dùng cổ tay, chân không được cong… Sao mà vụng về thế, tôi nhìn mà bực!”.
Chỉ vài phút sau, con bé ném sợi dây, bỏ luôn không chịu luyện.
Người mẹ thấy vậy liền kéo chồng ra, không cho trách móc thêm. Sau đó chị để con học theo video mấy hôm, rồi bắt đầu khen từng chút một:
“Con biết bơi thì học nhảy dây cũng sẽ được thôi!”.
“Hôm nay con nhảy liền được hai lần rồi, ngày mai chắc chắn được ba lần!”.
“Giỏi quá, con tập nửa tiếng liền, với tinh thần chăm chỉ này thì sau này làm gì cũng thành công!”.
Ngày qua ngày, cô bé càng luyện càng hăng, một tháng sau đã có thể nhảy liền 50 đến 60 cái không nghỉ.
Điều quan trọng là cô bé bắt đầu tin rằng: Chỉ cần mình muốn học, không gì là không thể.
Không giống những lời khen sáo rỗng, “tẩy não” đúng cách là sự khẳng định dựa trên thực tế, giúp trẻ biết mình đang làm tốt điều gì, có phẩm chất gì đáng quý. Từ đó, sự công nhận từ bên ngoài sẽ chuyển hóa thành niềm tin nội tại, giúp trẻ ngày càng tự tin và giỏi giang.

Nếu cha mẹ "tẩy não" con càng sớm, hiệu quả càng rõ (Ảnh minh hoạ).
Công thức thứ hai: Phóng đại điểm mạnh, liên tục củng cố
Nhà giáo dục Châu Hồng có cô con gái bị điếc từ nhỏ. Ba tuổi rưỡi mới nói được từ đầu tiên, phát âm một chữ có khi luyện mất nửa năm.
Để giúp con không cảm thấy khác biệt với người bình thường, mỗi lần phát hiện con làm được điều gì dù là nhỏ, ông đều khen ngợi và cổ vũ hết lòng.
Con nói được một chữ, ông ôm con thật chặt, giơ ngón tay cái khen giỏi.
Làm bài đúng 1/10, ông khoanh to vào câu đúng và nói: “Giỏi quá, bố bằng tuổi con còn chẳng đọc nổi đề”.
Viết văn chưa hay, ông đánh dấu những câu hay nhất và vỗ tay tán thưởng.
Nhờ sự công nhận ấy, cô bé 10 tuổi đã xuất bản tiểu thuyết dài 60.000 từ, 11 tuổi được vinh danh “Mười thiếu niên xuất sắc toàn quốc”, 16 tuổi trở thành sinh viên khiếm thính đầu tiên vào đại học tại Trung Quốc, 17 tuổi diễn thuyết tại Đại lễ đường Nhân dân, 20 tuổi ra nước ngoài học thạc sĩ và tiến sĩ.
Mỗi đứa trẻ đều có khuyết điểm, nhưng cũng có điểm sáng. Những điểm sáng ấy như tia lửa nhỏ, nếu được quan tâm và phóng đại đúng cách, sẽ trở thành ánh mặt trời soi rọi những vùng tối trong tâm hồn con trẻ.
Công thức thứ ba: Trao quyền và niềm tin, thể hiện kỳ vọng đúng mực
Nhà văn Bernard Shaw từng nói: “Hành vi của con người không bị chi phối bởi trải nghiệm, mà bị dẫn dắt bởi kỳ vọng”.
Nếu cha mẹ tin tưởng rằng con sẽ làm được, rất có thể con sẽ nỗ lực để biến điều đó thành sự thật.
Tuy nhiên, kỳ vọng nên đặt ra một cách hợp lý. Kỳ vọng quá cao sẽ tạo áp lực, ngược lại với mục đích ban đầu.
Tốt nhất, hãy áp dụng “nguyên tắc vượt nhẹ giới hạn” trong tâm lý học, nghĩa là khuyến khích trẻ làm những việc hơi vượt qua khả năng hiện tại một chút.
Giống như khi trẻ hái táo, kiễng chân không tới, nhưng nhảy lên là hái được. Khi ấy, lời khuyên đúng đắn không phải là “bay lên”, mà là “nhảy thử đi”.
Một người dùng trên Zhihu kể rằng hồi nhỏ học rất kém, hiểu chậm, tiếp thu yếu. Trong khi bạn bè dễ dàng đạt điểm cao, thì cậu luôn quanh quẩn ở mức trung bình.
Thế nhưng mẹ cậu không la mắng mà luôn tin rằng: “Con chưa khai thông thôi, đến lúc rồi con sẽ giỏi hơn người ta”.
Mẹ còn thường xuyên đặt ra những mục tiêu nhỏ: “Lần này cố gắng được điểm khá”, “Kỳ này thi cao hơn 2 điểm”, “Xếp hạng cố gắng nhích lên một bậc”...
Kết quả là thành tích của cậu từng bước tiến bộ, cuối cùng thi đỗ Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Trẻ em thường hành xử theo đúng kỳ vọng của cha mẹ. Trong tâm lý học, đây được gọi là “lời tiên tri tự hoàn thành”.
Vì tin cha mẹ, kỳ vọng tích cực và niềm tin kiên định từ họ sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp trẻ tiến về phía trước.
Nhà giáo dục Montessori từng nói:
“Nếu bạn cho rằng con sẽ không nghe lời, con sẽ đúng như vậy. Nhưng nếu bạn tin rằng con sẽ hợp tác, con cũng sẽ làm như vậy. Kỳ vọng tích cực của bạn chính là nền tảng cho lòng tự trọng của con”.
Trẻ em là đối tượng dễ bị “tẩy não” nhất.
Bạn nói gì với con, sẽ định hình con trở thành người như thế.
Vì vậy, từ hôm nay, hãy học cách nhìn thấy điểm tốt của con, khen ngợi đúng cách, trao cho con sự tin tưởng và kỳ vọng tích cực.