
Màu đỏ tươi tắn của gấc tượng trưng cho một năm mới may mắn.

Những quả "quà tặng từ thiên đường" lúc lỉu chờ người đón về ăn Tết.
Cây gấc dễ trồng, chi phí đầu tư ban đầu không cao, cây lại không “kén”,
có khả năng thích nghi với nhiều chất đất nên người dân Thanh Hà trồng
chơi mà ăn thật, nhiều gia đình đã kiếm được hàng chục, thậm chí hàng
trăm triệu/năm nhờ quả gấc.

Gấc được trồng xen ở những khoảng đất trống sau nhà...

... hoặc trên giàn ở khoảng sân, đầu ngõ.
Giá gấc được thu mua buôn ở thời điểm đầu tháng Chạp là 9.000 – 11.000 đồng/kg, tùy theo loại gấc nếp (loại gấc ta nhỏ quả, ít hạt, dày cùi, màu đỏ son) hay gấc lai giống Mỹ (loại gấc cao sản quả to, nhiều hạt, cùi mỏng, mày đỏ tươi), giá bán lẻ cao hơn 4 – 5 giá, nhưng từ giữa tháng Chạp, giá gấc đã nhích dần. Đến giáp Tết, giá gấc bán lẻ tại nguồn lên đến 28.000 - 30.000 đồng/kg.

Trồng gấc không khó, ít phải chăm bẵm mà giá thành cao nên nhiều hộ ở Thanh Hà trồng chơi mà ăn thật.

Khối lượng trung bình của gấc nơi đây khoảng 4 - 5 kg/quả, có quả nặng tới 6 - 7 kg.

Giống gấc cao sản lai Mỹ to quả, cùi mỏng, nhiều hạt và màu sắc đỏ tươi được trồng phổ biến hơn gấc nếp ta.

Ngoài vụ mùa đồng áng, nhiều phụ nữ có thêm nghề sơ chế gấc để gia tăng thu nhập.
Cũng tại xã Thanh Thủy, nhiều năm nay đã xuất hiện hàng chục hộ thu mua gấc, sơ chế lấy thịt gấc và hạt để đổ mối buôn. Cơ sở thu mua của chị Hoàng Thị Huệ là lớn nhất vùng, đem lại thu nhập khoảng 1 tỷ đồng mỗi mùa.

Chị Hoàng Thị Huệ, chủ cơ sở chế biến gấc kiếm 1 tỷ mỗi mùa gấc.
Chị chia sẻ, trước đó, chị làm nghề buôn đồng nát, thu mua phế liệu và
bắt đầu theo nghề thu mua và chế biến thô các sản phẩm từ gấc từ năm
2006. Ban đầu, khi có các thương lái Trung Quốc đến Hải Dương tìm mua
hạt gấc, chị đã đi xin, thu gom hạt tại các cơ sở nấu xôi và bán lại. Về
sau, khi nhiều hộ dân tại Hải Dương rộ lên trồng gấc, chị lại tìm hiểu
về chế biến thịt gấc và trở thành đầu mối thu mua, cung cấp cho các công
ty trong nước và xuất khẩu. Hiện tại, mỗi năm cơ sở của chị xuất ra
khoảng 30 tấn thịt gấc thành phẩm (tương đương 700 tấn gấc quả).

Không chọn cách trồng và bán gấc, chị Huệ trở thành đầu mối thu gom, chế biến gấc của bà con trong vùng.

Gấc sau khi bóc sẽ được đưa vào lò sấy.

Những hạt gấc căng mọng sẽ được trở liên tục cho se mặt...

... kiểm tra độ khô ...

... và tách hạt khỏi vỏ.
Xưởng chế biến của chị Huệ đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 nhân công thường xuyên, chủ yếu là nữ. Vào vụ thu hoạch cao điểm, lượng nhân công có thể lên đến gần 100 người, luôn chân luôn tay làm việc cả ngày với mức lương dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, tùy công việc bóc tách nguyên liệu hay trông lò.

Công việc trông lò sấy có lương cao hơn, do việc vất vả hơn, thường do các phụ nữ còn trẻ, nhanh nhẹn đảm nhiệm.

Việc bóc thịt gấc "nhàn" hơn một chút, ngay cả những người cao tuổi cũng có thể tham gia để có thêm đồng ra đồng vào.
Chị Huệ cho biết, vào mùa Tết nên giá gấc có cao lên so với những vụ
khác trong năm. Xưởng của chị cung cấp thịt gấc tươi cho các công ty
bánh kẹo và các gia đình để chưng dầu gấc với giá 40.000 đồng/kg, thịt
gấc sấy khô được bán cho một công ty chế biến các sản phẩm dược với giá
200.000 đồng/kg, hạt gấc được bán với giá
14.000 đồng/kg.

Ngoại trừ vỏ gấc, các phần còn lại của quả gấc đều có thể bán được.

Chị Huệ thường đổ buôn hạt gấc cho thương lái với giá 14.000 đồng/kg.

Bà chủ xưởng sản xuất cho biết, vụ Tết này gấc được mùa, giá tốt nên hứa hẹn sẽ là một vụ thắng lợi của chị.