Công việc của chị Minh Tú – nhân viên truyền thông của một Tập đoàn Tài chính – khá vất vả. Bé Cún được 4 tháng, chị phải đi làm lại. Chỗ làm hơi xa nhà, chị không thể tranh thủ buổi trưa về cho bé Cún bú ti được. May mà có dì của bé (em gái chị Tú) đang học Đại học ở chung nhà xung phong chăm bé giúp. “Từ khi Cún được hơn 3 tháng rưỡi, tôi đã phải bắt đầu chuẩn bị cho bé làm quen dần với việc mẹ đi làm. Thỉnh thoảng, tôi để Cún cho dì trông và đi đâu đó một vài tiếng, tập cho con ăn sữa mẹ bằng bình bú. Sáng sáng, trước khi đi làm, tôi vắt sữa ra, dặn dì ở nhà ngâm sữa, vệ sinh bình và cho con ăn. Đi làm mà cứ thấp thỏm không biết ở nhà con có ăn được nhiều không, dì có biết con đói lúc nào không, có cho con ăn đúng cách không. Đang giữa giờ làm, tôi phải trốn vào toilet của công ty để vắt sữa, cho vào bình đã tiệt trùng, để trong tủ mát của công ty. Buổi trưa, tôi lại tất tả chạy ra thuê xe ôm đem sữa về cho con.”

Chị Thanh Tú và bé Cún

Bé Cún bụ bẫm và rất lanh lợi.
"Theo dõi" con từ xa
Là một giáo viên, thời gian làm việc của chị Minh Thư cũng rất căng. Em bé của chị được 6 tháng tuổi cũng là lúc chị phải đi dạy lại. Trường cách nhà gần 20 km, chị phải rất vất vả vừa chăm sóc con vừa đảm bảo công việc. “Buổi sáng là khoảng thời gian khủng hoảng nhất. Đêm tôi phải chấm bài khuya, sáng dậy sớm lo lắng cho con, lắm hôm cuống lên vì gần đến giờ phải đi, con lại hứng chí “bĩnh” ra, tôi lại cuống cuồng lau chùi rồi phi đến trường. Chồng tôi cũng phải đi làm sớm nên không hỗ trợ được nhiều. May mà có bà ngoại ở gần, trông hộ cháu nên cũng đỡ.”

Chị Minh Thư và con gái.
Chị Hồng Nhung (nhân viên tài chính ngân hàng) thì vất vả với bé Tôm theo kiểu khác. Trước đây, nhà chị Nhung có người giúp việc, sáng 7 giờ chị đi làm, 7 giờ tối mới xong việc ở ngân hàng, tất tả về nhà, vẫn vất vả nhưng khá yên tâm vì con. Khi bé Tôm được 18 tháng, cụ cậu bắt đầu biết nói và bỗng nổi hứng… bám mẹ, lúc nào cũng xòe tay đòi “mẹ Nhung, mẹ Nhung bế Tôm một tí nào”, việc ăn ngủ, tắm, nhất nhất phải đòi mẹ, ai dỗ cũng không nghe. Đã vậy, người giúp việc lại nghỉ làm.

Bé Tôm rất quấn mẹ Hồng Nhung.
Khốn khổ “nhồi” con đi học
Bé Gấu của chị Thanh Hiền (nhân viên IT) mới 11 tháng tuổi nhưng đã phải học mẫu giáo được 2 tháng. Chị Hiền cho biết, khi Gấu được 6 tháng, chị đi làm lại. Thời gian đầu, chị nhờ được em gái trông bé rồi tong tưởi chạy đi chạy về chăm con. Có hôm bé Gấu khóc nhè, bị sốt hoặc bị trớ, em gái chị lại gọi điện, nhắn tin giục chị về. Ròng rã cứ từ cơ quan về nhà, rồi từ nhà ngược lên cơ quan, 3 tháng sau, chị Hiền bị sếp “soi”.

Phải đi học từ 9 tháng, nhưng bé Gấu vẫn rất ngoan và phát triển tốt.

Những khi được nghỉ làm, chị Thanh Hiền luôn dành thời gian cho con.
Chị Thục Anh (nhân viên văn phòng) cũng khốn khổ với chuyện cho con đi mẫu giáo. Công việc văn phòng của chị Thục Anh đòi hỏi chính xác về giờ giấc, nhưng bé Kenvin (3 tuổi) lại không “hợp tác”. Buổi sáng, mỗi khi chị lấy ba lô ra, bé biết phải đi học là lăn ra khóc, nước mắt nước mũi tèm lem. Có hôm chị giấu ba lô trong cốp xe, giả vờ rủ Kenvin đi chơi, ai dè cu cậu nhớ đường đến trường, nhảy cồm cồm trên xe, báo hại mẹ Thục Anh phải đi vòng vèo đường khác đến trường. Nì nèo mãi, bé mới chịu ăn sáng và vào lớp.
Tỏ ra vẻ cứng rắn, không cưng nựng Kenvin để con không mè nheo, nhưng chị vẫn bồn chồn lo lắng. Gần như hôm nào chị cũng gọi điện cho cô giáo hoặc gọi về nhà nhờ bà nội bí mật đến thăm bé. Thậm chí, chị còn dạy mẹ chồng cách quay camera bằng smartphone và up lên mạng cho chị xem. Bé Kenvin rất “quái”, nhiều lần năn nỉ trốn học không được, có hôm, cu cậu giả vờ bị đau bụng, không chịu ăn, nôn ọe đỏ cả mắt để… ép cô giáo gọi điện cho mẹ đến đón. Đang làm, chị Thục Anh lại tất tả bỏ việc để chạy đến trường với con. Nhưng Kenvin nhất quyết không chịu về nhà, chị đành… đưa cả con lên cơ quan.
Chị Thục Anh kể, cạnh nhà chị có bé gái 4 tuổi mới đi lớp, nhưng sáng nào cũng gào khóc, hết gọi ông bà rồi lại cầu cứu hàng xóm. Hôm đầu cô bé ấy đi học, về nhà đã khóc nức nở, mách bố mẹ bị cô giáo mắng vì tội … tè dầm. Ngày thứ hai, con bé nhất quyết không rời cái bô, từ lúc về đòi ngồi bô, lúc ăn cũng ngồi bô, bố mẹ con bé cứ bế lên là nó lại gào khóc. Đến đêm, mệt quá, con bé mới chịu đi ngủ. Sáng hôm sau ngủ dậy, nó lại đòi ngồi bô và nhất quyết không chịu đi học. Hỏi ra mới biết, cô giáo ở lớp bắt con bé ngồi bô để không đái dầm, làm con bé bị ám ảnh. “Vì những chuyện như thế, tôi luôn phải để ý con từng tí một, lắm lúc phải chiều cả những đòi hỏi quái đản của con. Có hôm, mới 10 giờ hơn tôi phải xin nghỉ làm nửa tiếng, vọt đến trường, nấp từ xa nhìn con chơi, thấy bé vẫn tươi tỉnh mới yên tâm về làm việc tiếp”.
Có hàng trăm tình huống dở khóc dở cười về chuyện các bà mẹ công sở bận bịu xoay xỏa đủ cách để chăm con từ xa. Có lẽ, những câu chuyện ấy chỉ tạm lắng xuống khi những đứa trẻ lớn hơn và tự chăm sóc được mình.
Chăm con đầu lòng với nhiều chị em không đơn giản nhưng với Thanh Huyền, chị lại thấy không quá vất vả.

