"Mẹ ơi, mình đi xem diễu binh 30/4 nhé!"

Đề xuất của cô con gái Lê Bảo Ngọc, 10 tuổi, đang học lớp 4 khiến chị Minh Trân (TP.HCM) – vừa bất ngờ, vừa xúc động. Không phải vì con đòi đi chơi, càng không phải vì háo hức muốn chen vào dòng người đông đúc giữa trung tâm thành phố, lý do con đưa ra là: "Con muốn tri ân hòa bình".

"Mẹ ơi, con muốn tri ân HOÀ BÌNH" - Câu nói của con gái khiến bà mẹ TP.HCM rưng rưng: Nhỏ bé thôi nhưng mẹ tự hào lắm đấy!- Ảnh 1.

"Cảm ơn hoà bình cho con có mẹ"

Con lập luận đơn giản theo kiểu trẻ con: Đi xem duyệt binh cũng là một hình thức tri ân và tỏ lòng biết ơn cho hòa bình. Mẹ phải tri ân hòa bình đã cho mẹ có ngày hôm nay thảnh thơi trong buôn bán, còn con sẽ tri ân mẹ vì có mẹ mới có con rồi con mới tri ân hòa bình vì hòa bình đã gìn giữ và cho con có được mẹ.

Con phải đi xem để biết được tính kỷ luật của các bác, các chú. Và để thấy rằng Việt Nam mình cũng hùng mạnh, cũng là một niềm khích lệ tới thế hệ chúng con. Biết đâu, mai mốt, tiếng Việt sẽ được bổ sung thành ngôn ngữ quốc tế!

"Con tìm trên mạng rồi bảo tôi đặt trước một quán ăn có phòng nghỉ ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần tuyến diễu binh, để con và em có thể ngủ lại từ sớm rồi sáng chen lên xem. Nó còn đề nghị mẹ cứ trừ dần vô tiền tiết kiệm của nó cũng được", chị Trân chia sẻ. Tiếc là, bà mẹ đã gọi đủ nơi nhưng vẫn chưa tìm được một chỗ nghỉ như mong muốn.

Chị Trân nói, nếu đến sát ngày vẫn không thể đặt được nơi nghỉ, chị vẫn sẽ đưa con hoà vào không khí của một ngày lịch sử, dù chỉ là đứng trước các màn hình LED dọc theo những tuyến đường chính:

"Tôi gọi nhiều nơi mà người ta đều từ chối nhận đặt trước, chỉ nói chờ tới ngày hôm đó, nếu còn chỗ thì ghé. Nhưng con muốn đi quá, nên tôi nghĩ, dù không chen được vào xem tận mắt, thì ít nhất cũng cho con được sống trong cái không khí ấy".

Chị kể con gái mê Lịch sử từ nhỏ. Điều đặc biệt là tình yêu này đến thật tự nhiên, không hề do mẹ định hướng hay ép buộc. Từ nhỏ, con đã thích nghe những câu chuyện về Bác Hồ, về các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ đất nước.

Chiều nào đi học về cũng líu lo kể cho mẹ nghe về một vị anh hùng mà con vừa tìm hiểu. Có hôm chị chỉ nhớ mang máng tên nhân vật, thì con lại kể vanh vách từng chi tiết. Có lần con còn tự tra cứu để hiểu rõ "diễu binh" khác gì "duyệt binh", rồi phân tích rành rọt vì sao một đất nước có quân đội mạnh là điều đáng tự hào.

Chị nhớ mãi lần đưa con tới trước Dinh Độc Lập, con đứng thật lâu, say sưa ngắm nhìn với gương mặt bừng sáng niềm vui. "Chắc là hồn thiêng sông núi đang cuộn trào trong suy nghĩ bé bỏng của con thì phải" – chị Trân vừa nói vừa nhớ lại khoảnh khắc đáng yêu ấy.

"Mẹ ơi, con muốn tri ân HOÀ BÌNH" - Câu nói của con gái khiến bà mẹ TP.HCM rưng rưng: Nhỏ bé thôi nhưng mẹ tự hào lắm đấy!- Ảnh 2.

Lê Bảo Ngọc, 10 tuổi, đang học lớp 4 yêu thích Lịch sử

Một hành trình giản dị dạy con về lòng yêu nước

Biết con yêu Sử, chị càng trân trọng hơn việc đồng hành trong giới hạn thời gian ít ỏi của người mẹ làm kinh doanh. Những cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con thường diễn ra trên đường đón con tan học, hoặc lúc trước giờ đi ngủ. Chị tận dụng những khoảng nghỉ ngắn sau khi con hoàn thành bài tập, để hướng con tìm hiểu lịch sử Việt Nam qua những kênh có chọn lọc.

Chị Trân đồng hành cùng con bằng sự lắng nghe, khích lệ và luôn ủng hộ tôn trọng sở thích con, nhất là một sở thích đang có giá trị nhân văn về tình yêu thương, bởi là người Việt phải hiểu sử Việt.

"Tôi chỉ mong được gần con bằng tình thương đủ đầy và tình thân đúng nghĩa. Khi các con thật sự cảm nhận được yêu thương, chúng sẽ đón nhận và lựa chọn những giá trị đẹp trong cuộc sống. Yêu nước, hiểu Sử chỉ là một phần trong những giá trị đó.

Phải sống đúng và làm đúng đã, rồi yêu nơi ta sinh ra, chỉ cho con từng cái đẹp rất nhỏ quanh mình mang tính cộng đồng, hãy để con trẻ dưới góc nhìn đẹp nhất và tích cực nhất trong cuộc sống hằng ngày, khuyến khích con tham gia nhiều trải nghiệm thực tế về các chuyên đề liên quan đến Sử ta, phải truyền tải được cho con thấy và hiểu những điều đẹp giản dị cho tới những điều to lớn hơn trong bình yên mà mẹ và con đang thấy hằng ngày không phải tự nhiên có", chị nói.

"Mẹ ơi, con muốn tri ân HOÀ BÌNH" - Câu nói của con gái khiến bà mẹ TP.HCM rưng rưng: Nhỏ bé thôi nhưng mẹ tự hào lắm đấy!- Ảnh 3.

Chị Minh Trân và con gái.

Với chị Trân, lòng yêu nước không cần thể hiện thật hoành tráng. Đôi khi, đó là cách giữ sự tử tế trong từng món ăn mình nấu. Là việc dạy con cúi đầu lễ phép khi đi qua nghĩa trang. Là những buổi hai mẹ con xem phim tư liệu về kháng chiến rồi lặng người vì xúc động.

Có lúc chính những câu nói ngây thơ mà sâu sắc của con đã khiến chị dừng lại giữa vòng xoáy bộn bề của cuộc sống – nơi người lớn đôi khi mải miết lo toan mà quên mất những điều căn cốt. "Con nhắc tôi rằng, việc được sống yên bình giữa lòng thành phố này, được ôm con mỗi đêm, được chăm chút cho quán ăn nhỏ mỗi ngày… là điều đáng biết ơn vô cùng". Nó khiến chị thêm trân trọng niềm yêu thích của con, và cũng là một lời nhắc dịu dàng về sự biết ơn mà người lớn đôi khi lãng quên giữa dòng đời vội vã.

"Nếu niềm yêu thích Lịch sử là một khởi đầu lâu dài cho con, thì tôi tin chắc bé sẽ hạnh phúc – vì con đang đi đúng con đường mà con thật sự yêu" – bà mẹ hai con bộc bạch. Chị không kỳ vọng con phải trở thành nhà Sử học hay mang trọng trách gì lớn lao. Chị chỉ mong con giữ được ngọn lửa ấy – tình yêu với Lịch sử, với đất nước – như một phần máu thịt.

"Mai sau, dẫu con làm gì, ở đâu, chỉ cần nhớ mình là người Việt Nam, và tự hào vì điều đó, là tôi yên lòng", chị nói.

"Mẹ ơi, con muốn tri ân HOÀ BÌNH" - Câu nói của con gái khiến bà mẹ TP.HCM rưng rưng: Nhỏ bé thôi nhưng mẹ tự hào lắm đấy! - Ảnh 4.