
Khi thủy triều rút cũng là lúc người dân ở huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn cùng nhau ra khu vực bãi biển xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) để cào ngao.

Dụng cụ cào ngao rất đơn giản.

Cây cào ngao dài khoảng 2m được làm bằng thân tre, dùng đai gỗ buộc vào hông người, dễ dàng kéo nạo về phía sau khi đi giật lùi.

Nghề cào ngao còn có tên gọi khác là “nghề đi giật lùi” vì phải dùng cây cào đi lùi dọc trên bãi cát để tìm ngao.

Ngao được người dân cào trên bãi biển chủ yếu là những loại ngao tự nhiên có giá bán khoảng 30.000-40.000 đồng/kg loại nhỏ (ngao rỉa).

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng (trú thôn Quang Trung, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa), khi trời sáng, nước thủy triều rút thì vợ chồng ông ra biển cào ngao để kiếm thêm thu nhập.

Khi đi giật lùi mà đụng phải ngao dưới lớp cát thì sẽ nghe thấy âm thanh va chạm giữa con ngao và lưỡi sắt, người dân sẽ dùng tay móc cát lên để bắt ngao.

Để thuận tiện, họ làm luôn một chiếc túi treo ở cây cào để đựng ngao vừa bắt được.


Mỗi ngày, dọc bãi biển Hoằng Hóa có hàng chục tốp người ra cào ngao.

Trong khi đó, một nhóm người dân đi bè mảng từ Sầm Sơn sang Hoằng Hóa thì chọn cách cào ngao ở khu vực nước sâu đến nửa người ở ngoài biển.

Nhiều hôm có người được 5-7kg ngao, cho thu nhập 200.000-400.000 đồng/người.

Loại ngao to sau khi cào được thì thương lái mua luôn tại bờ biển với giá 70.000-80.000 đồng/kg.

Theo ngư dân cào ngao, những năm trước ngao nhiều, có người bán cũng được 500.000 - 700.000 đồng mỗi ngày; năm nay ngao ít hơn nên thu nhập giảm nhiều.