Ngày 8/2 (tức 29 tháng Chạp năm Quý Mão), những khu chợ phố cổ Hà Nội như Hàng Bè, chợ Gạo..., không khí mua sắm Tết đang rất sôi động, cảnh tất bật của người mua hàng sau những ngày làm việc và người bán tranh thủ thu hoạch. Trong khi đó, nhiều hàng quán mặt đường vốn mang sự sầm uất của ngày thường, nay đã nhường chỗ cho các chuyến xe hàng rong và hàng "cóc" vỉa hè.

Khác lạ và nổi bật của phiên chợ trong những ngày này đó là hình ảnh chợ quê thật sự diễn ra trong phố.


Chị Nguyễn Thị Hương, quê gốc ở Hà Tĩnh, chia sẻ: "Gia đình tôi ăn Tết ở thủ đô mấy chục năm nay, tôi là đời thứ 2, thời bố mẹ tôi ra ngoài này làm ăn lập nghiệp, nay các cụ đã mất hết. Ở lại Thủ đô ăn Tết mọi người sẽ cảm nhận được không khí thời điểm này rất gần gũi, bất cứ ai đi chợ sắm Tết trong những ngày này đều nghĩ đến những mặt hàng như ở quê mình có”.

Những cành đào mini được nhiều khách mua về cắm lên bàn thờ
Nhiều năm bám trụ lại Hà Nội buôn bán cho đến trước giờ giao thừa mới gác lại công việc để về quê, chị Nguyễn Thị Vân, quê ở Nam Định, chia sẻ: "Hai hôm nay gia đình tôi ở quê chuẩn bị các mặt hàng liên quan đến hoa quả, gom đủ chuyến xe lên Hà Nội rồi đi đổ mối cho những người bán hàng rong".





Trong khi đó, chị Hoa – người thâm niên bán hàng rong trên phố cổ chia sẻ, nắm bắt được tâm lý nhiều người Hà Nội thường mua sắm vào ngày cận Tết nên chị tranh thủ bán hàng thêm một ngày so với dự định về quê.
“Những ngày này chủ yếu người dân đi mua hoa quả và những mặt hàng liên quan đến truyền thống, chính vì vậy không khi ở đây thật sự như cảnh chợ quê", chị Hoa tâm sự.





Giò, chả, măng, miến....là những mặt hàng được dùng trong mâm cỗ ngày Tết