LTS: Đã có rất nhiều vụ trả thù nhau bằng cách tạt axit. Đó là tội ác khiến nạn nhân đau đớn và gánh chịu hậu quả nặng nề đến hết cuộc đời. Vết thương không bao giờ lành, nỗi đau không bao giờ dứt, sự ám ảnh chẳng thể nào nguôi. Nạn nhân mới đây nhất, cô sinh viên xinh đẹp Thu Hương đang đi học ở Sài Gòn bị biến dạng cả khuôn mặt, nguy cơ mù mắt chỉ vì đi cùng với người bạn mà người ta nhắm để trả thù. Nhưng nạn nhân của tội ác mang tên axit đâu chỉ có Thu Hương, còn nhiều người khác và những câu chuyện khác đau đớn và nhức nhối...
"Thà người ta giết mình còn hơn tạt axit thế này"
Từ những mâu thuẫn tình cảm, chị Nguyễn Thị Thu H. (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đã bị chính chồng thuê người tạt axit với giá 20 triệu đồng. Theo đó, khoảng tháng 5/2015, hai vợ chồng ly hôn. Một thời gian sau, chồng cũ muốn nối lại tình cảm nhưng không được vợ đồng ý.
Cho rằng chị H. có “người mới” nên chồng cũ sinh lòng thù hận. Đến ngày 12/1/2016, khi chị H. đang chở con đi học về thì bị tạt axit vào mặt. Chưa đầy ba tháng sau biến cố này, cuộc sống nạn nhân gần như xáo trộn hoàn toàn.
Sợ con bị ảnh hưởng tinh thần, chị H. gửi về Đà Nẵng và chỉ mới đón vào lại 1 tháng nay. Trước kia, chị vốn tự mình kinh doanh về may mặc. “Tuy nhiên, 3 tháng nay tôi phải ngưng hoàn toàn công việc, các mối làm ăn cứ mất dần”, chị nói.

Cũng như nhiều trường hợp tạt axit khác, dù chị bị nhẹ hơn nhưng khuôn mặt cũng biến dạng, bị thương tật 36%. “Từ khi bị đến nay, chưa bao giờ tôi được một giấc ngủ trọn vẹn. Các vết thương vẫn đau nhức, phần cổ rất khó xoay. Đây là ám ảnh lớn nhất tôi không bao giờ quên được”, chị H. chia sẻ.
Kể từ ngày ấy, chị bị trầm cảm, gần như không dám ra ngoài đường, kể cả tập vật lý trị liệu cũng ở nhà. Để an toàn cho bản thân, chị cũng lắp thêm camera quanh nhà, thuê người giúp việc nhà và đưa con gái đi học.
Điều chị lo lắng nhất là người con gái 6 tuổi bị ảnh hưởng. “Tôi bị thế này khó mà theo sát bé được. Cô bé hồn nhiên kể chuyện mẹ nó cho bạn cùng lớp. Thế là có phụ huynh không dám con chơi với bé vì sợ… bé sẽ giống bố. Rồi khi hiểu chuyện, chắc hẳn tinh thần con tôi sẽ bị ảnh hưởng”, người phụ nữ sụt sùi nói.
-ad44f/tataxit6.jpg)
Những ngày qua, thông tin việc nữ sinh viên bị tạt axit, có thể mù mắt càng khiến nỗi đau của chị H. như nhân lên. Chị chia sẻ, mình rất xót thương cho cô gái tội nghiệp. Chị H. tự đặt câu hỏi. “Cô ấy bị nặng hơn tôi nhiều. Như tôi cũng đã lớn tuổi, có con cái, kinh tế tạm ổn chứ cô gái ấy trẻ quá. Việc điều trị thực sự tốn kém, liệu họ có lo nổi?”.
“Tôi chắc chắn sẽ có nhiều người chia sẻ nỗi đau nhưng chắc không ai hiểu nạn nhân của tạt xit đau khổ biết nhường nào. Bản thân tôi, nhiều lần tự hỏi sao kẻ thủ ác không giết mình đi còn hơn. Mấy ngày này, tôi muốn vào thăm nữ sinh ấy, xem có thể giúp đỡ được cho gia đình họ, muốn tự chia sẻ với nạn nhân. Nhưng gia đình tôi vẫn chưa đồng ý, họ sợ tôi lại trầm cảm như trước”, chị tâm sự.
Người lạ tới chơi lại trốn vào buồng
Một trường hợp khác là câu chuyện đời của Lưu Mỹ Hoa (sinh năm 1993). Chiều ngày 20/4/2015, Hoa đạp xe đi làm về trên đường Chiến Lược (quận Bình Tân, TPHCM), khi chỉ còn cách nhà vài trăm mét, bất ngờ bị một thanh niên chạy lên trước tạt axit vào mặt.

Đến giờ, công an quận Bình Tân vẫn chưa tìm ra hung thủ. Nhưng theo Hoa,
cô bị tạt axit đến từ những mâu thuẫn tình cảm. Nghỉ học từ năm lớp 9, Hoa đi
làm và quen một anh cùng xưởng. Gần 3 năm yêu nhau, họ tính đến chuyện hôn nhân
thì gia đình bạn trai không đồng ý.
“Lý do là họ chê con gái tôi lùn, nó cao chưa đến 1m5 còn bạn trai cao cả
1m7. Con bé về khóc suốt rồi chủ động chia tay. Một thời gian sau, con bé đi
chơi với nhóm bạn, có một cậu chở đi nên người yêu cũ ghen tuông. Nó dọa sẽ tạt
axit người chở con bé”, bà Lê Thị Ngọc Bích (sinh năm 1964, mẹ của Hoa) chia sẻ.

Theo lời kể của Hoa, trước đó người yêu cũ có dọa sẽ cho tạt axit người
con trai đã chở Hoa.

Sau 1 năm, những vết thương do axit trên mặt, cánh tay, đùi của Hoa đã
thành sẹo. Hoa bảo, nếu nhìn em của ngày trước với bây giờ có lẽ cũng không biến
dạng nhiều. Dù vậy, đến bây giờ cô vẫn không dám nhìn mình trong gương. “Em vẫn
may mắn hơn nhiều người, không bị biến dạng khuôn mặt hay mù mắt… nhưng nỗi đau
thì cũng lớn như nhau thôi”, cô chia sẻ.
Thời gian đầu, khi mới xuất viện về nhà, bốn góc tường và bóng tối làm bạn
với Hoa. “Bây giờ sẹo liền rồi chứ ngày xưa kinh lắm, thử hỏi làm sao em dám ra
ngoài, cứ giam mình trong phòng khóc. Nhiều đêm, em khóc vì ám ảnh, cả cha mẹ
phải thức dậy an ủi”, nói đến đây dường như quá xúc động, Hoa lại khóc rưng rức.

Hoa đọc những câu chuyện về phụ nữ bị tạt axit. Cô gái nhận ra không thể
mãi sống rủ rũ như vậy. Vết thương dần lành, cô cũng dần lấy lại sự cân bằng cuộc
sống. Gia đình lấy đồ gia công về cho Hoa làm. Mỗi tháng Hoa kiếm được hơn 1
triệu đồng thì dành toàn bộ mua thuốc. Cô
cũng chịu gặp những người bạn thân nhưng chỉ gặp ở nhà. “Vì em rất tự ti mặc cảm
khi ra đường”, cô gái giải thích.

Cả 1 năm, số lần ra đường của Hoa chỉ trên đầu ngón tay. Mẹ cô kể: “Nó cứ
ra ngoài là đeo kính râm, bịt kín mít từ trên xuống dưới. Mà có đi đâu, chỉ đến
chỗ giao hàng ở gần nhà thôi. Gặp chủ hàng, nó cũng chỉ bỏ kiếng, vẫn đeo khẩu
trang. Ở nhà, luôn phải đóng cửa, nó sợ có người lạ đến là lại chạy nhanh vô buồng.
Vì thế, nhà tôi lúc nào cũng phải phân người ở nhà với con bé để em nó đỡ sợ sệt”.
Chia sẻ về tương lai, cô gái ngậm ngừng, nhìn xa xăm ra bên ngoài. “Em cũng chẳng biết sẽ đi về đâu, biết được ngày nào hay ngày ấy, cũng chẳng dám yêu lại càng không hy vọng sẽ có ai đó yêu mình”, Hoa trăn trở xót xa...