Bị bệnh nhân “chê”
Đang nằm trong phòng chờ sinh nhưng mỗi lần thấy bác sĩ nam đi khám là Liên, ngụ quận Tân Phú vội vàng ôm bụng bầu, lấy cớ buồn vệ sinh để lẻn ra ngoài. Cô cứ đứng thập thò đợi cho đến khi bác sĩ đi khỏi mới dám quay trở lại.
Hòa và Hạnh, nhà ở quận 2 và 5, 25 tuổi, thấy đau, ngứa vùng kín đành lấy hết can đảm đến bệnh viện khám phụ khoa. Tuy nhiên, sau khi xếp hàng chờ cả buổi, nhìn thấy bác sĩ là đàn ông thì họ liền đứng dậy bỏ về.
Sự e dè của chị em là một trong nhiều khó khăn mà bác sĩ nam sản phụ khoa gặp phải.
![]() |
Nhiều chị, em yêu cầu được bác sĩ nữ khám phụ khoa và đỡ đẻ do xấu hổ. Ảnh: Thanh Huyền |
Từ trước đến nay, việc đàn ông làm nghề đỡ đẻ vô cùng hiếm hoi. Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, Phó Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ, TP.HCM, cách đây 20 năm, số lượng bác sĩ nam của bệnh viện chỉ chiếm 5%. Hiện nay, dù tình hình khả quan hơn nhưng cả bệnh viện mới chỉ có khoảng 40 bác sĩ nam trên tổng số 280 y, bác sĩ (15%). Như vậy, có thể nói bác sĩ nam sản phụ khoa được coi là "mì chính cánh".
“Sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là do quan niệm của người Á Đông. Trong quá trình khám, chữa bệnh tôi phát hiện các cô gái trẻ đi khám phụ khoa hay có tâm lý ngại bác sĩ nam. Có nhiều người yêu cầu bác sĩ nữ khám vì nghĩ dễ giãi bày tâm sự hơn và không muốn để người khác giới khám vùng kín.”, bác sĩ Thanh nói.
Phụ nữ ngại lấy chồng là bác sĩ sản
Ngay từ hồi bác sĩ Lưu Thế Duyên, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ quyết định học chuyên khoa sản đã gặp phải khá nhiều phản ứng từ phía bạn bè. Dù cha, mẹ của cậu sinh viên trẻ ấy hết lòng ủng hộ lựa chọn của con trai nhưng cũng không giấu nổi sự ái ngại.
“Cha, mẹ tôn trọng quyết định của tôi nhưng không ngừng lo lắng vì các cụ hiểu đàn ông mà đi làm nghề đỡ đẻ, khám sản phụ khoa sẽ vô cùng vất vả.
Bản thân tôi cũng rất may mắn vì lấy vợ trước lúc hành nghề.”, bác sĩ Duyên dí dỏm nói.
![]() |
Bác sĩ Duyên và Thanh, hai trong những bác sĩ nam sản phụ khoa ít ỏi của Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thanh Huyền. |
Khi khám phụ khoa, phải tiếp xúc với vùng kín bị bệnh của nhiều phụ nữ, là đàn ông, các bác sĩ sản có bị ám ảnh không, bác sĩ Duyên thành thật tâm sự: “Mình là bác sĩ thì không được phép tránh bệnh nhân dù bệnh họ có bị nặng đến đâu. Tuy nhiên, khi gặp phải những trường hợp nhiễm trùng chỗ kín, mưng mủ, bốc mùi hôi, thậm chí phải cắt bỏ tử cung thì lúc về nhà khi ăn cơm tôi cũng thấy rờn rợn, khó nuốt. Những lúc đó tôi phải để cho bụng thật đói mới ăn nổi”.
Khó có người phụ nữ nào không thấy khó chịu khi chồng mình mỗi ngày phải khám, tiếp xúc với chỗ kín của người khác giới. Bác sĩ Duyên may mắn hơn vì bà xã khá thông cảm, tuy nhiên do đặc thù công việc của chồng quá nhạy cảm nên chị cũng từng có lần trách…yêu.
Bản thân bác sĩ Thanh cũng cảm thấy mình rất hên vì có được vợ là đồng nghiệp. Nhờ vậy mà ông không phải giải thích, dỗ dành bà xã như một vài bạn cùng nghề khác.
Người làm hạnh phúc… nở hoa
Khi được hỏi tại sao là đàn ông mà lại chọn nghề bác sĩ sản, gương mặt bác sĩ Duyên bừng sáng, ông chậm rãi kể về những cơ duyên cũng như các ấn tượng đẹp nhất trong quãng thời gian 28 năm qua: “ Khi còn trẻ tôi quyết định học chuyên khoa sản bởi lòng thương cảm khi chứng kiến sự đau đớn lúc sanh, đẻ và các bệnh tật mà người phụ nữ phải gánh chịu.
Một kỷ niệm thuở mới vào nghề mà tôi không bao giờ quên được. Lúc đó, tôi khám cho một phụ nữ đang chuyển dạ. Chị ta la hét, giãy giụa dữ dội lắm. Bản thân tôi khi đưa tay vào khám thì thấy mọi thứ đều trơn tuột nên rất lo lắng. Tôi vô cùng căng thẳng vì phải tập trung làm sao lúc đỡ cho đúng kỹ thuật nếu không sẽ làm rớt mất em bé.
Có một điều thật kỳ diệu, khi em bé vừa ra khỏi cửa mình thì người mẹ đột nhiên không kêu khóc nữa. Ánh mắt chị ta trìu mến nhìn đứa con mới đẹp làm sao, nó toát lên vẻ thiêng liêng của tình mẫu tử. Đó chính là lý do suốt mấy chục năm nay tôi gắn bó với nghề. Nghề của chúng tôi là đón những con người đến với cuộc sống, chúng tôi góp phần làm hạnh phúc…nở hoa.”