Sinh hoạt phí tăng cao như "nước lũ ở thượng nguồn"
"Tết
là nhất", ai ai cũng tất bật trăm ngàn nỗi lo toan để chuẩn bị cho một cái
Tết thật đủ đầy cùng gia đình. Năm mới càng đến gần cũng đồng nghĩa với việc
chi phí sinh hoạt cho gia đình tăng nhanh đến chóng mặt. Và nỗi lo lắng làm sao
để có được một cái tết tươm tất không buông tha bất kì ai, kể cả dân công sở.
Chị Xuân Trúc (nhân viên công ty quảng cáo tại quận Tân Bình, TP.HCM) tâm sự rằng
mọi năm, chị thường xuyên lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau khi chuẩn bị Tết cho
gia đình. Theo chị Trúc, không chỉ có chi phi đắt đỏ những ngày giáp Tết mà cả
chi phí cho người giúp việc cũng làm chị hoa mắt, chóng mặt, nào là quà cáp, tiền
tàu xe và cả lương tháng thứ 13 - thứ mà bản thân chị năm được năm không thì cô
giúp việc luôn có đều đặn mỗi khi xuân về Tết đến.
Nói về chi phí sắm sửa cho Tết, chị Lan (nhân viên kế toán công ty XNK ở quận 4, TP.HCM) chợt rùng mình. Chị cho biết, do tính chất công việc nên phải đến những ngày cận Tết, chị mới có thể mua sắm quần áo cho con, thực phẩm cho gia đình... Những ngày này thì các chủ tiệm đã... "mài sẵn dao" và cứ thấy khách hàng đến là "ra tay".
Chị bức xúc: "Thịt thà, trái cây giá cao thì không nói, ngay cả bó rau, vài củ hành giá cũng toàn ở trên trời, trả giá cũng bằng thừa. Quần áo thì thôi khỏi nói, shop nào giá cũng cao, lại đông thật đông. Nhưng thấy con háo hức quá nên đành bấm bụng mà mua".
Rút kinh nghiệm
từ các năm trước, năm nay, chị tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy vào siêu thị gần cơ
quan mà sắm sửa, thứ nào cũng có, giá cả rõ ràng chẳng sợ bị "chặt
chém" lại có dịch vụ chở hàng về tận nhà. Chị Lan thích thú chia sẻ:
"Cứ sắm lai rai thế này lại tiện, đến 27, 28 Tết chỉ việc dọn dẹp nhà cửa,
nấu ăn thôi, chẳng phải xách xe chạy khắp nơi để sắm sửa".
Đoán già
đoán non tiền thưởng và lương tháng 13
Đến hẹn
lại lên, đề tài tiền thưởng và lương tháng 13 lại xôn xao khắp các cơ quan.
Tình hình kinh doanh các công ty trong năm hầu hết đều ảm đạm nên vì thế, nhân
viên đều thở dài ngao ngán khi nghĩ đến số tiền thưởng này. Những bữa cơm trưa
văn phòng luôn tập trung vào các chủ đề như: Liệu có tiền thưởng hay không, Liệu
số tiền này có đủ để trang trải chi phí Tết hay không, và cả những nỗi lo như
có sớm hay muộn khiến nhân viên nào cũng canh cánh lo âu trong lòng, chẳng còn
tập trung làm việc. Chị Hân (nhân viên
kinh doanh của công ty truyền thông ở quận 3) tâm sự: "Năm ngoái tôi được
thưởng chỉ có nửa tháng lương, lại còn đến hôm 27 Tết mới nhận được. Số tiền ấy
một nửa để sắm sửa, nửa còn lại mừng tuổi ông bà, thế là sạch veo. Năm nay nghe
nói công ty không đạt doanh số đề ra, chắc chẳng dám mơ đến số tiền thưởng ấy".
Cùng tâm
sự với chị Hân, chị Vân (nhân viên kế toán công ty nhôm) chua chát trải lòng:
"Công ty nhỏ, hợp đồng lúc có lúc không, thế nên cuối năm chẳng ai dám
nghĩ đến chuyện được thưởng Tết cả. Nhìn công ty người ta ai cũng được thưởng cả
tháng lương, có chị được cả hai tháng tôi buồn khủng khiếp. Năm ngoái, công ty
tôi làm gì có tiền thưởng, có ít quà được đối tác tặng thế là chia đều các nhân
viên, mỗi người một ít đem về cho con".
Chị em công sở đau đáu trăm ngàn nỗi lo ngày Tết.
Hầu hết người lao động làm việc quần quật cả năm
cũng chỉ mong nhận được số tiền thưởng Tết xứng đáng. Thế nhưng đây vẫn mãi là
câu chuyện khiến nhiều người phải nghẹn ngào mỗi khi nghĩ đến, và có lẽ sẽ là
điệp khúc được lặp đi lặp lại mỗi năm.
Cũng bởi
số tiền thưởng Tết còn khá mơ hồ này mà nhiều người đã nghĩ ra cách để tăng
thêm thu nhập, kiếm chút tiền lo cái tết tươm tất cho gia đình. Và thế là
"chợ Tết" được hình thành ngay giữa công sở, tấp nập và nhộn nhịp chẳng
kém chợ ngoài là bao. Chị thì bán giò chả, tôm khô, chị bán mứt, bánh kẹo, có
chị còn nhận đặt cả bánh chưng, bánh tét... tất cả đều là hàng tự làm nên khá
thu hút người mua. Có thể nói, "chợ Tết thu nhỏ" đã tạo nên sự náo
nhiệt, rộn ràng nơi công sở những ngày giáp Tết, phần nào giúp bầu không khí
căng thẳng, âu lo về khoản thưởng Tết cũng tạm lắng xuống.
Mọi năm,
cứ đến gần Tết, chị H.Hạnh (biên tập viên một trang báo mạng) lại bán giò chả để
tăng thêm thu nhập.
Giỏi việc
nước - đảm việc nhà
Cuối năm
là thời điểm có rất nhiều việc tồn đọng cần phải giải quyết, nào là báo cáo thuế,
kết sổ, kế hoạch năm sau... tất cả khiến giới văn phòng phải chạy hết tốc lực mới
kịp hoàn thành. Tại các công ty, nhịp độ làm việc có thể thấy là cực kì khẩn
trương, bận rộn hơn ngày thường, đặc biệt là những chị em đã có gia đình, bởi
ngoài việc phải hoàn thành khối lượng công việc khủng khiếp ở cơ quan, họ còn
phải cáng đáng việc gia đình, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa đón Tết.
Đôi lúc đang mải mê với những con số vô hồn trong tờ báo cáo thuế, chị Hạnh (nhân viên công ty xây dựng) bỗng giật mình bởi tiếng chuông điện thoại nhắc mua vài thứ từ mẹ chồng. Chị than thở: "Ban ngày cắm mặt cắm mũi vào những con số, ra khỏi cơ quan là tôi phóng như bay đi sắm sửa vài thứ cho Tết theo yêu cầu mẹ chồng, về đến nhà mệt bở hơi tai vẫn phải lao vào cơm nước, tắm con rồi dọn dẹp. Đến tối khi con cái ngủ hết, tôi lại lục đục dưới bếp phụ mẹ chồng cắt rễ củ kiệu, muối dưa... Nhà đông người nên công tác chuẩn bị cũng đủ để khiến tôi chán ngán Tết".
Chị cho biết thêm, đi làm 5 ngày trong tuần mệt mỏi là thế, nhưng đến cuối tuần
cũng chẳng được nghỉ ngơi bởi phải phụ gia đình chồng dọn dẹp nhà cửa đón Tết.
Không chỉ vậy, do ba mẹ ruột đã lớn tuổi nên chị gần như cáng đáng luôn phần việc
bên ấy. Cũng vì thế mà nhiều người nhìn vào cực kì ngưỡng mộ sức làm việc của
chị.
Không
như chị Hạnh, chị Vân (nhân viên thiết kế của công ty quảng cáo) lại điên đầu với
chuyện con cái những ngày giáp Tết. Tết đồng nghĩa với việc lũ trẻ nhà chị sẽ
được nghỉ học sớm, cũng vì thế mà chị phải chạy hết nhà này đến nhà kia để gửi
con. Đứa đầu của chị đang học lớp 1, đứa thứ 2 mới 4 tuổi, khi 2 đứa nghỉ Tết,
chị đành gửi nhờ hai bên nội - ngoại trông coi. Nhưng ông bà hai bên đều đã lớn
tuổi, không thể gửi suốt nhiều ngày liền nên chẳng đặng đừng, chị đành mang con
vào công ty, đưa cho chúng cái Ipad xem cả ngày. Không riêng chị Vân, nhiều bà
mẹ khác cũng không biết gửi con nơi nào nên đành phải đem vào công ty cùng mẹ,
cùng bố. Và thế là công ty những ngày cuối năm không khác gì cái nhà trẻ, đứa
cười giỡn, đứa la hét đòi mẹ... rộn ràng hết cả góc phòng. "Cũng may sếp
tâm lý nên không phàn nàn gì, không thì tôi chẳng biết tha con đi nơi nào nữa",
chị Vân thở dài.
Con theo mẹ lên cơ quan vì giúp việc về quê ăn Tết.
Những năm trước, khi con còn nhỏ, cứ đến những ngày gần Tết, chị H.Đăng (nhân viên marketing) lại phải đưa con vào công ty vì “ở nhà thì chẳng ai trông”.
Chưa lập gia đình nên Trang (phóng viên trang báo mạng) chưa phải trải qua những nỗi lo như các bà mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Trang không có nỗi niềm riêng. Ba mẹ ở quê vốn không khá giả gì nên mỗi khi Tết đến, Trang luôn cày thâu đêm suốt sáng mong kiếm thêm chút tiền về biếu cũng như quà cáp cho họ hàng. Là phóng viên nên ngoài thu nhập chính, vào những ngày này, Trang nỗ lực viết thêm, cộng tác với nhiều tờ báo khác để có thêm chút đỉnh lo cho ba mẹ.
Trang cho biết: "Những ngày này tòa soạn nhiều việc lắm nhưng em vẫn cố gắng
nhận thêm việc về nhà. Tối đến chong đèn lọc cọc gõ bài đến quá nửa đêm, chợp mắt
được một tí là phải dậy để chuẩn bị đi làm. Cực là thế nhưng em vẫn ráng, hi vọng
gom được kha khá về phụ ba mẹ sắm Tết".
Ước muốn
của Trang cũng là cũng của đa phần chị em công sở. Bởi thế mà dù trăm ngàn nỗi
lo toan, vất vả chuẩn bị cho Tết, các chị em ai cũng cố gắng hết mình để đem đến
một cái tết tròn vẹn và đủ đầy nhất cho gia đình.