Câu hỏi "Liệu mình có sai không?" được một phụ huynh ở TP.HCM, đặt ra khi đứng trước quyết định rút con khỏi trường quốc tế, chuyển về trường công. Gia đình anh có thu nhập 110 triệu đồng mỗi tháng, con số tưởng chừng khá vững vàng.

Thế nhưng, với học phí gần 20 triệu đồng/tháng cho con đang học tiểu học ở một trường quốc tế tại TP.HCM, cộng thêm các khoản chi ngoài lề như tiền ăn, đồng phục, ngoại khóa, sinh nhật bạn bè, tiệc lớp... dòng tiền của gia đình ngày càng eo hẹp.

Đặc biệt, trong bối cảnh thu nhập không còn dồi dào như trước và chi phí giáo dục ngày một tăng, anh bắt đầu lo lắng: "Nếu cứ đà này, khi con lên cấp 2, cấp 3, học phí sẽ còn cao hơn. Trong khi khả năng tăng thu nhập thì không có". Ý định rút con về trường công, tưởng đơn giản, lại vấp phải trở ngại lớn: Chính con anh không muốn chuyển trường.

Đây là câu chuyện đang thu hút sự bàn luận trong những ngày gần đây. Trên nhiều diễn đàn dành cho phụ huynh, đề tài thu nhập bao nhiêu mới cho con học trường quốc tế trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.

Phụ huynh TP.HCM tranh cãi: "Thu nhập 100 triệu/tháng mà cho học quốc tế là đua đòi, thiếu kiến thức quản lý tài chính"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thu nhập bao nhiêu mới "dám" cho con học trường quốc tế?

Trường hợp của phụ huynh này không phải cá biệt. Thực tế, nhiều phụ huynh cho con học trường quốc tế tại TP.HCM cũng chung nỗi lo "đứt gánh giữa đường" khi không dự trù được tài chính dài hạn.

Câu chuyện của phụ huynh nói trên đặt ra bài Toán thực tế cho các gia đình trung lưu ở đô thị lớn: Liệu thu nhập 100 triệu đồng mỗi tháng có đủ để con học trường quốc tế suốt 12 năm, thậm chí sau đó là du học? Với nhiều người, thu nhập 100 triệu mà cho học quốc tế là đua đòi, thiếu kiến thức quản lý tài chính cá nhân.

Anh M.Hoàng (quận 7) thẳng thắn: "Nếu xác định cho con theo trường quốc tế, phụ huynh phải chuẩn bị sẵn nguồn tài chính ít nhất đủ cho con học hết 12 năm phổ thông. Mỗi năm chi khoảng 200 triệu, 12 năm cũng phải có sẵn 2-3 tỷ đồng, dưới dạng tài sản đầu tư hoặc tiết kiệm. Nếu chỉ dựa vào thu nhập hàng tháng mà không có tài sản đối ứng, thì chẳng khác gì đếm cua trong lỗ. Đến khi thu nhập giảm, muốn rút con về trường công là rất khó, vì con bị sốc, khó thích nghi".

Một bà mẹ hai con cũng chia sẻ bài học thực tế: Gia đình chị từng tính cho con học trường quốc tế, nhưng khi cộng tổng chi phí suốt 12 năm lên tới vài tỷ đồng, chị mới tỉnh ra. Cuối cùng, chị chọn trường công, đầu tư thêm cho con học kỹ năng, tiếng Anh.

Tuy nhiên, cũng có phụ huynh chấp nhận hy sinh các khoản chi khác để đầu tư cho giáo dục. Theo họ, sai là do không biết tính toán, cân đối tài chính gia đình, chứ trường quốc tế không phải là vấn đề. Học phí chiếm 30% thu nhập không phải là chi quá tay. Nếu muốn đầu tư giáo dục, cha mẹ cần thu hẹp chi tiêu cá nhân, bỏ bớt những thứ không cần thiết. Đây là khoản đầu tư dài hạn.

"Mình chỉ thấy thế này. Khi con mình kiểm tra để vào trường, giáo viên đưa 1 bức tranh và nói con mình hãy nhìn vào bức tranh rồi đặt câu hỏi về nó. Nếu trường công thì sẽ hỏi bức tranh có bao nhiêu con vịt, cái cây.... nên mình thấy cách nhìn vấn đề nó khác mình. Mà cách nhìn vấn đề và giải quyết nó lại là quyết định. Mình nói với con mình là ba không giàu nhưng vẫn cố cho con học vì hy vọng con sẽ học được cách tư duy, cách làm việc của họ", một ông bố nhận định.

Trong khi đó, một số ý kiến cũng cho rằng, học phí 20 triệu đồng mỗi tháng thực ra chưa phải là "trường quốc tế thực thụ", mà chỉ là trường song ngữ, dạy theo chuẩn quốc tế. Các trường quốc tế đúng nghĩa, nơi con em người nước ngoài theo học, học phí cấp 2 phải 500-600 triệu đồng mỗi năm, cấp 3 thậm chí gần 1 tỷ đồng. Trường học phí 20 triệu chỉ là trường song ngữ.

"Cho con học quốc tế khi "chưa đủ lực" chẳng khác gì "đếm cua trong lỗ"

Quả thật, đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư hiếm hoi "không bao giờ lỗ". Nhưng cũng cần phân biệt giữa đầu tư và đánh cược. Đầu tư là khi cha mẹ có kế hoạch rõ ràng, có quỹ dự phòng, có khả năng xoay xở trong dài hạn. Còn nếu "liệu cơm gắp mắm", thu nhập tháng nào dùng hết tháng đó, thì khác gì đi dây mà không có lưới an toàn.

Nhiều chuyên gia tài chính khuyến cáo: Cho con học trường song ngữ, quốc tế thì phải có tài sản đối ứng, chứ không thể chỉ dựa vào dòng tiền hàng tháng. Nói cách khác, nếu mỗi năm chi cho con khoảng 200 triệu, tính 12 năm phổ thông sẽ cần ít nhất 2,5 tỷ đồng.

Phụ huynh cần có tài sản đầu tư sinh lời ổn định — vàng, USD, hoặc bất động sản — trị giá tương đương để "bảo hiểm" cho kế hoạch giáo dục của con, phòng khi thu nhập giảm hoặc biến cố tài chính bất ngờ. Nếu không, việc cho con học quốc tế khi "chưa đủ lực" chẳng khác gì "đếm cua trong lỗ", tính trước, hụt sau.

Phụ huynh TP.HCM tranh cãi: "Thu nhập 100 triệu/tháng mà cho học quốc tế là đua đòi, thiếu kiến thức quản lý tài chính"- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bởi lẽ, khi phải rút con về trường công giữa chừng, cái khó không chỉ là tâm lý cha mẹ "mất mặt", mà còn là cú sốc cho chính đứa trẻ. Nhiều trẻ học trường quốc tế quen với môi trường nhẹ nhàng, nhiều hoạt động ngoại khoá, phương pháp tư duy mở, khi chuyển qua trường công với chương trình nặng nề, nhiều khuôn phép, dễ bị chông chênh. Không phải đứa trẻ nào cũng thích nghi được, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì.

Ở chiều ngược lại, cũng không ít phụ huynh cho rằng, học trường công không có nghĩa là thua thiệt. "Mình thu nhập 300 triệu vẫn cho con học trường công", một bà mẹ chia sẻ, "vì quan trọng là dạy con tư duy, dạy tiếng Anh thêm ở ngoài. Đến lúc cần thiết, con đủ chín chắn thì mạnh dạn đầu tư cho con, chứ không phải nuôi như gà công nghiệp từ bé". Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình, bởi thực tế có rất nhiều học sinh trường công thi đỗ đại học danh tiếng trong và ngoài nước, phát triển tốt, miễn là cha mẹ quan tâm đồng hành.

Trường quốc tế và trường công đều có ưu điểm và mặt hạn chế. Trường quốc tế thường chú trọng kỹ năng, ngoại ngữ, tư duy phản biện, môi trường học nhẹ nhàng, nhiều hoạt động thể thao, nghệ thuật. Trong khi đó, trường công rèn luyện khả năng chịu áp lực, tính cạnh tranh, sự thích nghi với môi trường xã hội đa dạng, có khi "lộn xộn" nhưng cũng giúp trẻ "lì đòn" hơn. Vấn đề là phụ huynh cần cân nhắc kỹ: chọn trường nào thì chọn, miễn là phù hợp với năng lực tài chính, định hướng giáo dục và khả năng thích nghi của con.

Thực tế, trong số những người cho con học trường quốc tế, không ít người đã dự trù quỹ giáo dục cả chục tỷ đồng, đủ để lo cho con đến hết lớp 12 và sau đó là du học.

Còn với những gia đình chưa đủ lực tài chính, nhưng vẫn mong muốn con được học trong môi trường tốt, thì một giải pháp dung hòa là cho con học trường công, nhưng đầu tư mạnh vào các khóa học thêm về tiếng Anh, kỹ năng mềm, hoặc cho con tham gia các trại hè quốc tế để dần dần mở rộng tư duy.

Việc giáo dục con cái, sau cùng, không nằm trọn trong chuyện "trường công hay trường quốc tế", mà là sự đồng hành dài hạn của cha mẹ, cách dạy con biết thích nghi, biết học trong mọi hoàn cảnh, dù thuận lợi hay khó khăn.

Câu chuyện của phụ huynh TP.HCM đang loay hoay với bài Toán học phí 20 triệu/tháng là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc cho các bậc phụ huynh: Trước khi chọn trường cho con, hãy chọn cho mình một kế hoạch tài chính vững chắc trước đã. Và dạy con, quan trọng hơn cả, không phải là dạy con quen hưởng thụ, mà là dạy con biết trân quý từng cơ hội học tập, biết thích nghi và nỗ lực trong bất cứ môi trường nào.

Góc Nhìn Tuyến bài chia sẻ quan điểm của chuyên gia, phụ huynh về các vấn đề giáo dục nóng hổi. KHÁM PHÁ