Sinh hoạt trong gia đình từ khi có thêm thành viên mới nói chung là vui vẻ. Hai vợ chồng trẻ còn chưa có con, đều đi làm, thu nhập tương đối ổn định. Với hoàn cảnh xã hội càng ngày càng đắt đỏ, khó khăn, ông bà đã nhìn thấy trước việc các con muốn ra riêng khi đã có đôi có cặp quả là không dễ thực hiện! Vì vậy, trong cố gắng của mình, ông bà thu xếp trước mắt chỗ ăn ở cho các con: Xưa kia là căn gác gỗ tuềnh toàng, 3 giường đơn, 3 bàn học cho 3 đứa con trai làm chỗ ngủ nghê, học tập. Bây giờ, là 1 tầng lầu bán kiên cố, có 3 phòng riêng biệt, tiện nghi tối thiểu.
Trong suy nghĩ của ông bà, mái nhà chung là một cái tổ. Con cái rồi lớn khôn, có hạnh phúc riêng và sẽ đủ cứng cáp để thoát ra ngoài sự bao bọc của cha mẹ. Nhưng, cho dù con như bầy chim tung cánh về muôn hướng, ông bà vẫn muốn tạo dựng và giữ nguyên góc riêng của từng đứa con, để bất cứ khi nào con cần quay về, chốc lát hay nhiều ngày, con vẫn có cảm giác ấm áp, thoải mái trong chính ngôi nhà chung, dù bố mẹ có còn đây hay đã "khuất núi".
Nói có vẻ "cường điệu", nhưng thực tế là: Bố mẹ bà nói chung là rất thương con. Tuy nhiên, tình thương ấy dù không có sự "phân biệt đối xử" giữa các đứa con với nhau cũng không thể gọi là đầy đặn khi ông bà thiếu hẳn kỹ năng nắm bắt tâm lý cũng như ước vọng của con cái theo từng thời kỳ chúng lớn lên và còn chưa đủ khả năng tự lập.
Nghèo khó đúng là một trở ngại lớn nhất trong quá trình xây dựng hạnh phúc! Nhưng điều chính yếu là người lớn không đủ hy sinh thú vui cá nhân (mẹ bà là người đặc biệt ham mê thú vui đen đỏ), tất nhiên việc cư xử, nuôi dạy con cái trong gia đình bỗng dưng "khuyết" và là một hệ quả tệ hại khi con cái trở thành lỡ thầy lỡ thợ, tâm sinh lý lệch lạc, sự gắn kết trong tình ruột thịt trở nên lỏng lẻo, thậm chí anh chị em xung đột với nhau nặng nề!
Trở thành một trong hai người chủ gia đình hiện tại, bà mẹ nói trên sắp xếp sinh hoạt cho cả nhà theo cái cách: Bố mẹ tự trang trải, điều tiết sinh hoạt phí theo thu nhập, đảm trách việc chợ búa, cơm nước hằng ngày. Đổi lại, các con đóng góp theo tự nguyện, ông bà không ra chỉ thị bắt buộc. Từ đáy lòng, bà muốn các con mình trong cảnh sống chung ruột thịt hãy đừng cân đo đong đếm! Hãy mở lòng yêu thương nhau, anh chị thương em, em kính trọng anh chị. Nếu như có đóng góp được gì để cải thiện cho sinh hoạt chung, các con hãy vui vì đã mang lại được sự thoải mái cho những người thân yêu và không bì tị, so sánh. Trong hơn 1 năm, gia đình quả là có vui vẻ đúng như bà mong muốn.
Nhưng, trong từ thái độ của con trai, bà lờ mờ nhận ra ý định của con, bà hỏi thẳng và được con trai thổ lộ là muốn sau khi thành hôn, sẽ thuê nhà ra ngoài ở. Bà trao đổi với chồng, lúc này thì cả hai thấy rằng: cái khái niệm "tam đại đồng đường" trong thực tế quả là không dễ thực hiện!
Từ thói thường trong kinh nghiệm nhân gian: "Chị em dâu sống chung nhà sẽ nẩy sinh nhiều tị hiềm phiền toái", ông bà cũng đã tiên lượng và liệu cách cư xử với các con. Nhưng điều ấy được các con thể hiện sớm quá khiến ông bà chạnh lòng! Đành rằng tốt nhất là nên tránh trước hoàn cảnh có thể dẫn đến sự mâu thuẩn kém vui, bằng mặt không bằng lòng. Nhưng con cái như giọt máu xẻ làm 3, một chút gì chứng tỏ các con xa cách với cha mẹ anh em cũng khiến ông bà buồn lo, trăn trở.
Hiện tại, cả nhà vẫn sống cùng nhau bình thường, vẫn chuẩn bị một cuộc hôn nhân sắp tới chủ yếu là bằng sự quan tâm, ân cần của hai bậc bố mẹ. Bà nhẹ nhàng nói riêng với con trai thứ: "Ba mẹ ủng hộ tất cả các con trong ý muốn được sống riêng sau khi thành hôn. Tuy nhiên, bước đầu hãy để cho vợ con hòa nhập với gia đình chung, sau đó sẽ tách ra bằng sự quan tâm, giúp đỡ vui vẻ cùng lòng lưu luyến yêu thương của cả nhà".
Từ trong thâm tâm, mong ước lớn nhất của bà là các con hòa thuận, nâng đỡ, sẻ chia với nhau trong gai góc, khó khăn của đời sống. Nhưng không thể biết trước được điều gì sẽ đến trong tương lai, khi mà con người càng lúc càng thiết tha với quan điểm hưởng thụ cá nhân (rất hợp lý đấy so với phấn đấu của họ). Có điều, khi mọi hoàn cảnh được sắp xếp rạch ròi, cái "tình" gia đình đối với nhau không biết còn lại được bao nhiêu?