50 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất nhưng ký ức về thời khắc 30-4-1975 lịch sử - khi Sài Gòn chính thức được giải phóng - vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bao người dân thành phố.

KÝ ỨC KHÔNG PHAI

Với ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - ngày 30-4-1975 không chỉ là một dấu mốc lịch sử mà còn là một phần ký ức không thể phai trong cuộc đời ông. Khi ấy, ông là Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sài Gòn ngày 30-4-1975 - Ảnh 1.

Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, kể lại thời khắc 30-4-1975 lịch sử Ảnh: PHAN ANH

"Thành Đoàn lúc đó được Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tổ chức 5 cánh quân ngay trong nội đô để sẵn sàng nổi dậy, phối hợp với quân chủ lực từ vòng ngoài đánh vào. Lúc ấy, chúng tôi bám sát từng diễn biến, từng giờ của chiến dịch" - ông Năm Nghị hồi tưởng.

Đêm 29-4-1975, ông Năm Nghị cùng lực lượng vũ trang của Thành Đoàn xuống đường, men theo vùng ven đến khu vực Tân Bình để chờ thời cơ. Và rồi, đúng trưa 30-4-1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và yêu cầu quân đội Sài Gòn không nổ súng, cả đoàn lập tức tiến thẳng về khu vực quận 11 ngày nay, phối hợp nổi dậy giành chính quyền.

Ông Năm Nghị xúc động: "Lực lượng chúng tôi khi ấy chỉ vài chục người, dù có trang bị vũ khí nhưng "vũ khí" mạnh nhất chính là lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi người dân thấy ngọn cờ đó, họ đổ xuống đường, reo hò, mời chúng tôi lên xe để đưa nhanh vào trung tâm thành phố".

Ông Năm Nghị nhớ mãi hình ảnh rất nhiều người dân bám theo xe tăng Quân Giải phóng. Họ reo mừng, ôm chầm các anh bộ đội. Khi đó, ông biết chúng ta đã toàn thắng - không chỉ là một thắng lợi quân sự mà còn là thắng lợi của lòng dân, của khát vọng hòa bình, của một dân tộc đã chiến đấu suốt bao nhiêu năm để giành lại độc lập, tự do.

Thời khắc lịch sử đã đến khi một chiếc xe tăng Quân Giải phóng húc vào cổng phụ, chiếc khác húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập - cứ điểm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn - (nay là Hội trường Thống Nhất) trưa 30-4-1975. Khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, những người lính Quân Giải phóng vỡ òa cảm xúc - họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

VỠ ÒA HẠNH PHÚC

Nếu những người như ông Phạm Chánh Trực là "chứng nhân trong cuộc" thì bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm - Trưởng khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM - là một trong những "chứng nhân phố phường" đã sống trọn vẹn từng khoảnh khắc của ngày Sài Gòn được giải phóng.

Năm 1975, bà Cẩm còn là một thiếu nữ mới 16 tuổi, sống trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) - ngay trung tâm thành phố. Kế bên nhà bà là nhà của Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Huyền.

"Tối 29-4-1975 trời mưa to, cúp điện, cả thành phố như nín thở. Đâu đó thỉnh thoảng lại vang lên tiếng súng. Ngoài đường, lính Sài Gòn đi tuần tra, giới nghiêm suốt ngày đêm. Lúc đó, Sài Gòn còn áp dụng thiết quân luật, mọi người vừa hoang mang vừa hồi hộp, ai cũng linh cảm điều gì đó rất lớn sắp xảy ra, như đang đứng giữa một khúc ngoặt của lịch sử" - bà Cẩm nhớ lại.

Sáng hôm sau, trời Sài Gòn nắng đẹp. Khi nghe người lớn trong nhà kháo nhau là Quân Giải phóng đã tiến vào nội thành, bà Cẩm cùng cha đạp xe ra Dinh Độc Lập. Bà lục lọi lại ký ức: "Lính chế độ cũ vứt đầy súng ống, quân phục trên đường - một cảnh tượng chưa từng thấy. Gần tới Dinh Độc Lập, tôi đã chứng kiến xe tăng cùng các anh bộ đội tiến vào. Tôi chạy theo, hòa vào dòng người vừa vẫy tay chào vừa reo hò"…

Sài Gòn ngày 30-4-1975 - Ảnh 2.

Trưa 30-4-1975, người dân Sài Gòn - Gia Định đổ về Dinh Độc Lập với cờ và hoa chào đón Quân Giải phóng Ảnh: TƯ LIỆU

Sống trong thời khắc lịch sử ấy, bà Cẩm trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Lúc đầu không khỏi lo lắng, thắc thỏm nhưng sau đó, bà vỡ òa hạnh phúc, vui sướng khi Sài Gòn được giải phóng, non sông đã thống nhất, đất nước đã hòa bình.

Đến nay, dù 50 năm đã trôi qua nhưng với bà Cẩm, hình ảnh trong ngày 30-4 năm nào vẫn luôn sống động. Bà bày tỏ: "Tôi sống ở khu phố 6 này đến giờ đã 66 năm. Cuộc đời tôi đã chứng kiến nhiều dấu mốc của Sài Gòn - TP HCM và của đất nước nhưng buổi trưa 30-4-1975 ấy luôn là khoảnh khắc ấn tượng nhất, hào hùng nhất".

NGÀY ĐẦU TIÊN

Ngày 30-4-1975, cả nước hân hoan đón chào ngày toàn thắng và với đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), đó là khoảnh khắc thiêng liêng, đầy xúc động.

Hôm đó, ông Tư Cang không chỉ chứng kiến sự kiện trọng đại của dân tộc mà còn được đoàn tụ với người vợ thủy chung và cô con gái yêu quý sau gần 3 thập kỷ xa cách. "30-4-1975 là ngày hòa bình, thống nhất và với riêng tôi, đó còn là ngày đầu tiên tôi thật sự có một gia đình" - ông thổ lộ.

Ông Tư Cang năm nay đã 97 tuổi. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, thoạt đầu là đội viên Thanh niên Tiền phong cầm tầm vông vạt nhọn tham gia giành chính quyền tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó nổi bật nhất là cụm trưởng Cụm tình báo H63, hoạt động cùng nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.

Ngày 15-4-1975, khi đang học bổ túc chính ủy sư đoàn tại Hà Nội, ông Tư Cang được điều hỏa tốc về chiến trường miền Nam để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông nhận nhiệm vụ chính ủy cánh Bắc của Lữ đoàn 316 - đơn vị đặc công biệt động được giao nổ súng đầu tiên khi tấn công vào Sài Gòn.

Lúc 9 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, từ sở chỉ huy ở Hóc Môn, ông Tư Cang thở phào nhẹ nhõm khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng qua Đài Phát thanh Sài Gòn: "Tôi yêu cầu anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa ngưng nổ súng, ở đâu thì ở đó...". Ông bồi hồi: "Chúng tôi lao vào ôm nhau mà nước mắt dâng trào. Vậy là chiến tranh đã kết thúc, đạn bom sẽ không còn gây chết chóc".

Trên chiếc xe Jeep vừa lấy được của địch, ông Tư Cang lao về Sài Gòn lo việc tiếp quản. Đến tận khuya hôm ấy, ông mới tranh thủ thu xếp được 1 giờ dành cho riêng mình - giây phút mà ông đã chờ đợi suốt 28 năm ròng rã. Ông đi dọc đường Hồng Thập Tự, qua cầu Thị Nghè, rẽ vào con hẻm nhỏ ở một cư xá - nơi vợ con ông vẫn chờ đợi. Đoạn đường ấy ông vốn thuộc nằm lòng và đã bao lần đi qua, song chỉ liếc nhìn mà không rẽ vào bởi nhiệm vụ bí mật, bởi đang chiến tranh.

"Năm 1947, tôi rời nhà tham gia kháng chiến khi vợ mang thai 4 tháng. Ngày tôi về, con gái đã 28 tuổi, cháu ngoại 3 tuổi. Ngày 30-4-1975, ngoài niềm hân hoan khi Sài Gòn được giải phóng, đất nước đã thống nhất, tôi còn được nghe lại tiếng vợ gọi "anh", nghe được tiếng con gọi "ba" và cháu gọi "ông ngoại'". Đất nước thống nhất, gia đình sum vầy, còn ngày nào hạnh phúc hơn nữa!" - ông rưng rưng…

Giữa dòng chảy thời gian, có những ngày sẽ trôi qua như bao ngày khác nhưng 30-4-1975 thì không. Đó là ngày của hòa bình, thống nhất và đoàn tụ - ngày mà tình yêu Tổ quốc được viết nên bằng máu, nước mắt và hy vọng. 

"Hình ảnh đẹp nhất của Sài Gòn trưa 30-4-1975 là dòng người đổ ra đường đón chào các cánh quân tiến vào thành phố. Ai cũng tươi cười rạng rỡ, tay liên tục vẫy cờ".

(Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu)

Đồng loạt nổi dậy

Theo kết quả nghiên cứu của thượng tá Nguyễn Hà Hải, Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tính đến ngày 28-4-1975, người dân Sài Gòn - Gia Định đã nổi dậy tại 107 khu vực, gồm 31 khu vực ở ngoại thành và 76 khu vực nội thành.

Từ ngày 29 đến rạng sáng 30-4-1975, người dân thành phố tiếp tục nổi dậy ở 32 khu vực. Trước và sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ở những nơi Quân Giải phóng chưa kịp tiến vào - người dân lại nổi dậy ở 75 khu vực. Đến trưa 30-4-1975, đông đảo người dân thành phố đã đổ ra đường với cờ và hoa, đón chào các chiến sĩ Quân Giải phóng...

"Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã giành thắng lợi trọn vẹn. Thắng lợi này có sự góp sức to lớn của Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn - Gia Định" - thượng tá Nguyễn Hà Hải nhìn nhận.