Cuộc sống của khoảng 18.000 bà mẹ và trẻ sơ sinh đang gặp nguy sau động đất ở Nepal, theo báo cáo của UNICEF.

Đại diện Nepal, Tomoo Hozumi, cũng cho biết: Hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe trên cả nước, trong đó có các cơ sở hỗ trợ sinh nở đang trong quá trình khôi phục.

“Số lượng các bà mẹ phải sinh con bên ngoài bệnh viện và các trung tâm sinh sản có thể sẽ tăng gấp 3 lần tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất” – Ông Hozumi tuyên bố.

Ông cũng cho biết, tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, ước tính có khoảng 12 trẻ em được sinh ra mỗi giờ mà không được chăm sóc sức khỏe cơ bản.
 
img
Cứ mỗi giờ, ở Nepal lại có 12 trẻ em được sinh ra mà không được chăm sóc y tế đầy đủ.
 
Ít nhất 70% trung tâm sinh sản trên khắp 14 quận huyện đã bị hư hỏng sau hai trận động đất.

Ông Hozumi nhấn mạnh: Điều quan trọng bây giờ là phải tạo điều kiện cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho quá trình mang thai và sinh nở cho bà mẹ và trẻ em.

“Những ngày đầu tiên trong cuộc đời rất quan trọng và cũng rất nguy hiểm với những em bé – Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của trẻ sơ sinh cũng như của các bà mẹ. Bên cạnh việc trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương, các bà mẹ mang thai cũng cần được hỗ trợ khẩn cấp trong những trường hợp rủi ro như sinh non, sảy thai hay những biến chứng khác, đặc biệt là trong giai đoạn căng thẳng sau những trận động đất” – Ông Hozumi nhấn mạnh.
 
img
Nhiều cơ sở y tế bị thiệt hại, mang lại nguy cơ cho 18.000 bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Nepal.

Ngay cả trước khi xảy ra hai trận động đất, các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Nepal cũng còn nhiều hạn chế, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua. Có khoảng 90 phụ nữ phải sinh mổ mỗi ngày. Điều kiện hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu đó.

Hiện UNICEF đang làm việc với các đối tác để cung cấp viện trợ cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh bằng cách thiết lập phòng khám di động, lều y tế khẩn cấp và nhà tạm trú cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
 
Theo AsiaOne