- 1. Đậu hũ4 bìa
- 2. Trứng gà hoặc trứng vịt3 quả
- 3. Rau muống1 bó
- 4. Mướp 1 trái lớn
- 5. Thịt bằm150g
- 6. Gia vị:Sả, ớt, muối, tỏi, bột ngọt, dầu ăn, rau kinh giới, rau tía tô, mắm, mộc nhĩ, tiêu, hành ngò, 1 trái chanh
Thực đơn cơm tối hôm nay có:
- Đậu hũ chiên muối sả
- Trứng tráng hành
- Mướp xào thịt bằm
- Rau muống luộc và nước luộc rau vắt chanh
- Tráng miệng: Trái vải

Đậu hũ chiên muối sả
Cho sả, ớt, muối, bột ngọt vào trộn đều rồi ướp đậu hũ, để 15 phút cho thấm.
Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào để sôi lên.
Dùng giấy ăn hoặc khăn sạch thấm miếng đậu cho bớt nước để khi cho đậu vào chảo dầu chiên sẽ không bị bắn - nổ dầu. Chiên và trở đậu cho vàng giòn và đều cả hai mặt miếng đậu.

Vớt ra để ráo dầu. Cũng trong chảo này cho tỏi vào phi dậy mùi thơm rồi cho sả ớt còn lại vào, đảo đều chiên cho vàng thơm rồi cho lên mặt những miếng đậu hũ. Món này ăn kèm rau kinh giới và tía tô rất ngon.

Trứng tráng hành
Đập tách vỏ cho trứng vào tô, nêm mắm, tiêu vào đánh tan rồi cắt nhỏ hành lá cho vào.
Làm nóng chảo, cho 1 muỗng mỡ (hoặc dầu ăn) và đầu hành lá vào, phi dậy mùi thơm rồi cho trứng vào chiên, bạn có thể đậy nắp hoặc lật mặt để trứng chín vàng đều nhé. Cho ra đĩa là xong!

Mướp xào thịt bằm
Các nguyên liệu chuẩn bị sẵn sàng sạch sẽ, để ráo.
Làm nóng chảo, cho tỏi giã dập vào phi cho dậy mùi thơm, rồi cho thịt bằm vào xào cùng ít mắm và muối, đợi chín rồi cho mướp vào xào lên cho chín, nêm nếm lại cho vừa khẩu vị thả hành ngò vào. Tắt bếp cho ra đĩa trang trí thêm ít hành ngò. Có thể chấm kèm mắm mặn dầm ớt.

Rau muống luộc và nước luộc rau vắt chanh
Chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng. Nấu sôi nước, cho vào nồi ít muối và chút nước cốt chanh (như vậy sẽ giữ được màu xanh của rau tươi ngon) rồi cho rau vào luộc chín, vớt ra rổ inox cho ráo rồi xếp lên đĩa. Cho nước luộc rau vào tô, vắt thêm nước cốt chanh và nêm thêm xíu muối (có thể thêm ít bột ngọt tuỳ thích nhé) sao cho vừa khẩu vị.

Tráng miệng: Trái vải

Một vài mẹo nhỏ để ăn vải mà không bị nóng
1. Uống 1 ít nước muối loãng trước khi ăn vải: Nước muối có tác dụng phòng trừ sinh hỏa. Uống chút nước muối trước khi ăn vải sẽ giảm tối đa nguy cơ nóng trong, phát ban do nhiệt. Ngoài nước muối, bạn có thể uống trà thảo mộc lạnh, ăn canh bí đao, chè đậu xanh... cũng có tác dụng giảm nóng khi ăn vải.
2. Không ăn vải khi đói: Khi bụng đói mà ăn vải sẽ bổ sung lượng đường quá cao làm kích thích niêm mạc dạ dày gây đau, viêm, nhiệt hoặc bị say kèm các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, cồn cào, buồn nôn. Tốt nhất chỉ ăn vải sau các bữa ăn để phòng tránh nóng trong cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
3. Không ăn quá nhiều quả vải trong 1 lần: Vải tươi có công dụng làm đẹp da, làm mượt tóc, chống lão hóa. Tác dụng này đã được Đông y ghi nhận từ lâu. Tuy nhiên, không phải cứ ăn vải càng nhiều sẽ càng tốt, dưỡng nhan càng hiệu quả. Vải có khả năng sinh nhiệt do hàm lượng đường cực lớn, ăn quá nhiều sẽ phát sinh mụn nhọt, lúc này không những bạn chẳng dưỡng nhan được mà còn khiến nhan sắc đi xuống.
Mỗi lần ăn vải, bạn chỉ nên ăn 10 quả với người lớn, 3-4 quả với trẻ em.