Ngay từ sáng mùng 4 Tết Mậu Tuất, người dân làng Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) nô nức mở lễ hội rước pháo với sự tham dự của hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương với nhiều nghi thức trang trọng. Lễ rước Pháo Đồng Kỵ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ từ nhà trưởng đám ra đình.

Năm 2016, hội Đồng Kỵ, trong đó có lễ rước pháo vinh dự là 1 trong 15 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận.

Lễ rước pháo Đồng Kỵ được chuẩn bị từ sớm mùng 4 Tết với sự tham gia của hàng trăm người phục vụ cùng đông đảo người tham gia với nhiều nghi thức trang trọng. Hai quả pháo trong lễ rước được làm tượng trưng bằng gỗ và sơn son thếp vàng, dài 6m với đường kính hơn 60cm. Thân pháo được chạm trổ hình Long – Lân – Quy – Phụng với mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa.

Lễ rước Pháo Đồng Kỵ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ từ nhà trưởng đám ra đình.

Người dân trong làng và khách thập phương đứng hai bên đường chào đón đám rước đi qua. Ở hai đầu pháo có hình hoa văn trống đồng và ngôi sao vàng năm cánh.

Từ khi pháo không còn được lưu hành, người dân Đồng Kỵ vẫn giữ truyền thống của tổ tiên, thờ pháo và rước pháo.

Trên đường rước pháo, đoàn thỉnh thoảng lại dừng lại và các thanh niên hò reo khiến không khí càng thêm náo nhiệt.

Những người được chọn rước pháo đều phải trên 30 tuổi.

Rất đông người dân tới tham dự sự kiện mở màn cho mùa lễ hội đầu năm ở miền Bắc.

Người dân trong làng và khách du lịch thập phương xếp hàng dài để chờ đoàn rước đi qua và không quên lấy điện thoại, máy ảnh ghi lại khoảnh khắc trang trọng, thiêng liêng.

Nhiều hoạt động văn nghệ sôi nổi diễn ra tại sân đình trước sự chứng kiến của đông đảo người dân.

Nhiều nam thanh niên cởi trần và chít khăn đỏ quanh lưng, họ khuấy động không khí bằng những tiếng hô lớn thay cho tiếng pháo. Đây có thể coi là màn cổ động tinh thần cách điệu cho lễ xuất quân đi đánh giặc của các vị tướng làng thời xưa cũng như màn chào tạm biệt dân làng trước khi ra trận.

Các ông quan đám được công trên vai các chàng trai đang độ sung sức làm động tác múa như muốn cổ động tinh thần quân lính và chào tạm biệt nhân dân đi đánh giặc.

Những thanh niên trai tráng sẽ cố giữ cho vị quan đám đứng càng lâu càng tốt, người chiến thắng sẽ là người đứng lâu nhất. Những người tham gia lễ hội sẽ cố gắng chạm vào người quan đám để cầu may cho năm mới.

Dự kiến, lễ hội diễn ra trong 4 ngày (từ mùng 4 đến hết mùng 7 Tết Mậu Tuất).