"Mỗi lần tan làm, vừa bước vào nhà là con như biến thành một đứa trẻ khác!" – lời tâm sự của một người mẹ khiến nhiều người phải chạnh lòng.
Người mẹ kể, con chị mới hơn hai tuổi, ở với ông bà thì ngoan ngoãn như thiên thần: tự ăn cơm, ngủ đúng giờ, ngã cũng không khóc. Nhưng chỉ cần mẹ về nhà, bé lập tức "biến hình" thành một "tiểu quỷ" – bám chân mẹ khóc lóc, cố tình làm đổ đồ đạc, nửa đêm thức dậy đòi bế hàng giờ mới chịu ngủ.
Không ít người lớn sẽ thở dài: "Vẫn là để ông bà chăm thì tốt hơn, mẹ chiều quá nên con mới hư như vậy".
Nhiều bậc cha mẹ bắt đầu hoang mang: "Có phải mình không biết dạy con không? Tại sao cứ gặp mẹ là con lại làm mình làm mẩy?".
Sự thật là, phần lớn cha mẹ đã hiểu sai. Những hành vi "không ngoan" ấy, thực chất là lời tỏ tình chân thành nhất từ con trẻ.

Ảnh minh họa
Khi trẻ "hư" là vì quá tin mẹ
Bạn có biết, việc trẻ chỉ dám bộc lộ cảm xúc khi gặp mẹ chính là minh chứng của sự gắn bó và an toàn tuyệt đối?
Tình huống thường thấy: Cả ngày ở với người khác, trẻ "kiềm chế" để ngoan ngoãn. Nhưng khi gặp mẹ – người thân yêu và an toàn nhất – mọi cảm xúc bị nén chặt sẽ bung ra. Không phải trẻ "làm nũng quá mức", mà là trẻ đang xin mẹ tiếp thêm năng lượng.
Lý thuyết "pin dự phòng" ở trẻ 0 - 3 tuổi
Hãy hình dung con như một chiếc điện thoại thông minh: Ở với ông bà, trẻ bật chế độ "tiết kiệm pin" – không dám quậy, không dám mè nheo vì sợ "hết pin" (mất cảm giác an toàn). Khi gặp mẹ, trẻ lập tức chuyển sang chế độ "sạc nhanh" – mọi hành vi mè nheo, khóc lóc đều là cách trẻ nói: "Mẹ ơi, ôm con đi! Con cần được sạc lại yêu thương".
Ba "mật mã tâm lý" phía sau sự bướng bỉnh
- Con chỉ dám "hư" với người mà con tin tưởng nhất: Trẻ biết ngoài xã hội phải ngoan để được yêu thương. Nhưng với mẹ, con biết mình có thể thật – dù yếu đuối, giận dỗi hay phiền phức – mẹ vẫn luôn yêu con.
- Con muốn mẹ là "bưu điện cảm xúc": Mọi tủi thân, đau đớn, bực bội trong ngày – con giữ lại để "gửi" về mẹ, giống như người lớn cũng thường chỉ dám xả áp lực với người thân.
- Con đang thử lòng mẹ có còn yêu con không: Những hành vi thoái lùi như đòi bón ăn, tè dầm, từ chối tự lập… đều là cách trẻ hỏi ngầm: "Mẹ còn yêu con nhiều như trước không?"
Tình huống khác: Trẻ 3 tuổi trở lên bướng hơn?
Một đứa trẻ 4 tuổi có thể tự mặc quần áo ở lớp, nhưng về nhà lại nằm ăn vạ, không chịu tự làm gì. Nhiều cha mẹ cho rằng đó là "hai mặt" – nhưng thực chất, đây là cuộc chiến ranh giới.
Từ 3 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành nhận thức về "cái tôi". Chúng sẽ chọn người thân thiết nhất – thường là mẹ – để thử giới hạn, để kiểm tra xem mình có thể "tự do đến đâu".
Mẹ cần ứng xử ra sao?
Tùy theo độ tuổi, cha mẹ có thể điều chỉnh cách phản ứng sao cho vừa tạo sự an toàn, vừa giữ được nguyên tắc.
+ Giai đoạn 0–3 tuổi: Cứ ôm con thật chặt
> Nên làm: Ôm ấp, vỗ về, đáp ứng nhu cầu tình cảm
> Tránh: La mắng vì con "dính mẹ quá", cố ép con tự lập sớm
Kinh nghiệm: Trẻ được yêu thương đủ đầy trước 3 tuổi sẽ có nền tảng vững chắc để tự tin và độc lập hơn sau này.
+ Giai đoạn 3–6 tuổi: Vững vàng và kiên nhẫn
> Nên làm: Đặt giới hạn rõ ràng, nhưng luôn bình tĩnh và lắng nghe
> Tránh: Đáp ứng mọi yêu cầu vô lý hoặc phản ứng quá gay gắt
Kinh nghiệm: Trẻ nổi giận với mẹ không phải vì ghét mẹ, mà vì mẹ là nơi an toàn nhất để giải tỏa. Như người lớn, ta chỉ dám cằn nhằn với người thân, còn với người ngoài thì luôn giữ thể diện.
Gửi lời động viên đến những người mẹ đang kiệt sức
Lần tới, khi con mè nheo không dứt, hãy nhủ thầm: "Con không đang làm khổ mẹ, mà đang nói: "Mẹ là người con tin tưởng nhất, là người con muốn ôm khi thấy mệt mỏi, là người dù con có là "tiểu quỷ", con vẫn chắc chắn mẹ sẽ không bỏ rơi con".
Làm cha mẹ không phải là một cuộc thi xem ai có đứa trẻ ngoan nhất. Đứa trẻ "bộc lộ bản chất thật" khi gặp bạn – chính là đứa yêu bạn nhiều nhất.